Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư thì thẳng thắn nêu những biểu hiện tham nhũng thuộc phạm vi quản lý Nhà nước thuộc bộ mình thực hiện ở các khâu phân bổ vốn đầu tư, xác định chủ đầu tư dự án, công tác đấu thầu, xác định chủ đầu tư dự án, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA…
Rõ ràng, địa chỉ tham nhũng “ẩn nấp” đã quá rõ, hầu như ai cũng thấy. Thế nhưng tìm cho ra vụ việc tham nhũng quả là khó. Thấy tham nhũng nhưng chưa sờ được nó là điều mà nhiều ngành, nhiều cấp thường nêu ra tại các cuộc họp chuyên đề về phòng, chống tham nhũng.
Tại cuộc họp giải trình này, theo số liệu của Thanh tra Chính phủ, năm 2009 tổng số tiền và tài sản, đất đai thất thoát do tham nhũng bị phát hiện trên 700 tỷ đồng. Năm 2011 thanh tra thu hồi trên 300 tỷ đồng và năm 2012 lực lượng cảnh sát điều tra đã thu hồi trên 410 tỷ đồng. Cũng trong năm 2012 ngành thanh tra đã phát hiện 89 vụ, 107 người có hành vi liên quan đến tham nhũng với tổng tài sản 104 tỷ đồng…
Nhiều ý kiến cho rằng số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý chưa phản ảnh đúng tình hình tham nhũng.
Tại Thừa Thiên Huế, trong kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh, ngành thanh tra cho biết, qua 852 cuộc thanh tra, thanh tra phát hiện gần 28 tỷ đồng và hơn 7.900m2 đất sử dụng và quản lý sai nguyên tắc pháp luật.
Tình hình tham nhũng như nhận định của các ngành là có những diễn biến phức tạp và khó phát hiện. Trong khi đó công tác phòng ngừa, giám sát cộng đồng nhằm ngăn ngừa tham nhũng lại chưa được quan tâm đúng mức.
Tham nhũng trên lĩnh vực đấu thầu là điều nhức nhối. Nó như ẩn như hiện. Nhiều doanh nghiệp xây dựng, sau những phiên đấu thầu, mở thầu, “hậu thầu” phát điên lên nhưng không dám nói. Bức quá, có tâm sự, kêu ca với nhà báo nhưng rồi đề nghị đừng viết báo. Ép thầu và nhường gói thầu là điệp khúc mà các doanh nghiệp có năng lực trúng thầu thường ca thán. Tôi nhiều lần cũng nóng gáy cố khai thác cho tường tận nhưng doanh nghiệp chưa dám nói hết nên cứ “gãy bài” viết nửa chừng. Chỉ chừng đó thôi đã thấy chống tham nhũng khó biết nhường nào.
Văn bản, nghị quyết về phòng chống tham nhũng nêu quá rõ nhưng trong thực tiễn nó khó làm sao. Mới đây nhất Chính phủ có ban hành Nghị quyết về minh bạch tài sản, thu nhập, trong đó có 9 nhóm đối tượng phải có nghĩa vụ kê khai tài sản cũng như các loại tài sản bắt buộc phải kê khai, hình thức công khai bản kê khai tài sản...
Theo Nghị định, các loại tài sản kê khai là tiền mặt, tiền cho vay, tiền gửi giá trị từ 50 triệu đồng trở lên, ô tô, mô tô, các loại nhà, công trình xây dựng…
Đọc văn bản nghị định nhiều người vui mừng, tin tưởng. Nhưng bàn dân thiên hạ hay cắc cớ lý luận rằng, thực trạng tài sản của những cán bộ, công chức nó không thể hiện như vậy. Một người có những ba, bốn ngôi nhà nhưng tên tuổi thì chỉ có một. Hai ngôi nhà khác có thể là tên người bà con, cháu chắt gì đó. Ô tô thì khỏi phải nói rồi, không cần kê khai nhân dân cũng biết, vì nó chạy bon bon trên đường. Một ô tô thấp nhất cũng 1 tỷ đồng. Còn đất rừng thì kê khai sao đây? Thảo dân thắc mắc, làm cán bộ tiền đâu mà đi chiếc xe 2,3 tỷ bạc. Nhiệm kỳ đầu “còn nghèo” chưa xe cộ gì, gần tuổi nghỉ hưu thấy sắm ngay chiếc ô tô mới cóng giá tiền tỷ. Cán bộ cấp huyện mà rứa đó huống gì cấp cao hơn? Quả là giải thích điều này với thảo dân là điều không dễ. Hành vi tham nhũng như một loại virus lạ mà “y học phòng, chống” tham nhũng chưa tìm ra! Vừa rồi, Bộ Tài nguyên Môi trường và Bộ Nội vụ báo cáo chưa phát hiện tham nhũng, tiêu cực trong ngành mình. Đó chẳng phải nhận diện tham nhũng, tiêu cực là điều cực kỳ phức tạp chăng? Thông tin này lập tức nhận nhiều phản hồi không đồng thuận từ giới báo chí và dư luận xã hội. Phản hồi không đồng thuận từ công luận và dư luận là điều dễ hiểu vì trong bối cảnh hiện nay đây là hai lĩnh vực nhạy cảm. Ngay trong báo cáo của Thanh tra Chính phủ cũng cho thấy rõ về hành vi tham nhũng trên lĩnh vực đất đai, tài nguyên. Còn trong tuyển dụng, đề bạt cán bộ thì tệ chạy chức chạy quyền, mua quan bán tước đã là câu cửa miệng của người đời và là sự thừa nhận của những cán bộ lãnh đạo mẫu mực.
Phòng, chống tham nhũng được Đảng và Nhà nước rất mực quan tâm. Quan tâm đến mức cho đây là quốc nạn. Nhiều Nghị quyết, Nghị định của Đảng và Nhà nước đề cập rất rõ các biện pháp phòng, chống tệ nạn này. Vậy nhưng công tác phòng, chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu đề ra. Đã đến lúc giao quyền cho nhân dân, phát động nhân dân tố giác cán bộ tham nhũng. Chỉ có phát động rộng rãi, giải quyết thấu đáo và bảo vệ người tố giác, thậm chí khen thưởng người tố cáo đúng, tạo thành phong trào trong nhân dân mới mong từng bước vạch rõ đối tượng tham nhũng, tiến đến quét sạch tệ tham ô, tham nhũng đang làm nhức nhối xã hội. Chống tham nhũng là điều quá khó, nhưng không phải không làm được.