Thứ Năm, 29/08/2013 09:52
(GMT+7)
Con sâu và nồi canh
TTH - Hóa ra chuyện bún “bẩn” ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam không chỉ là kiểu kinh doanh bất nhân gây họa cho người tiêu dùng, mà còn khiến cho những cơ sở kinh doanh chân chính gặp khó khăn. Không đâu xa là những cơ sở làm bún và bán bún ở Thừa Thiên Huế. Nghe tin đồn bún tươi có “chất tẩy trắng” gây hại cho sức khỏe khi sử dụng, vậy là người tiêu dùng không mua, cơ sở làm bún không bán được hàng, kéo theo các cơ sở bán buôn, bán lẻ cũng ê ẩm và thua lỗ. Những làng bún Huế nổi tiếng như Vân Cù hay Ô Sa, các nhà làm bún cũng chỉ biết ngẩng mặt kêu trời.
Bún “bẩn” là bún có chứa chất tẩy trắng quang học (tinopal), ăn vào sẽ bị ung thư (!). Quy trình làm bún nếu tuân thủ thì chỉ cần gạo, muối, nước sạch là ra sản phẩm đảm bảo ngon. Vấn đề ở đây là giá gạo cao nên để tăng lợi nhuận, thường các lò bún trộn thêm các loại bột vào gạo. Do pha trộn nên bún không dai ngon, không có màu sắc đặc trưng, vậy nên phải dùng thêm phụ gia làm trắng, làm dai, giữ cho bún có mùi vị truyền thống... Gạo dùng để làm bún “ngậm” đầy các hóa chất cấm gây hại cho sức khỏe con người.
Hoạt động sản xuất kinh doanh ở nước ta trong giai đoạn đang phát triển nên rất nhạy cảm và dễ tổn thương bởi những tin đồn. Vậy mà, vì nhiều lý do khác nhau lại cứ hết tin đồn này lại rộ lên tin đồn khác, toàn là những thứ ác khẩu. Nào là bắp được nông dân trồng và luộc bằng hóa chất. Rồi chuyện ăn bưởi bị ung thư, cá diêu hồng có chứa chất cấm, cá kèo có chứa chất gây ung thư...khiến người nông dân điêu đứng, còn người tiêu dùng thì hoang mang không dám dùng.
Không chỉ còn là tin đồn, chuyện bún “bẩn” gây hại là có thật. Đích thân ngành y tế cũng đã lên tiếng xác thực vấn đề và tuyên bố phạt tiền những cơ sở sản xuất vi phạm. Nhưng xem ra dư luận không đồng tình bởi cách thức xử lý vi phạm và mức phạt tiền còn nhẹ. Điều đáng nói hơn, chuyện bún “bẩn” như “con sâu làm rầu nồi canh” khi đã trực tiếp gây hại cho các cơ sở sản xuất kinh doanh chân chính. Ví như ở Thừa Thiên Huế, làng bún Vân Cù trước đây hàng ngày bán ra thị trường đến 15 tấn bún, nay giảm từ 30 đến 40%. Thế là, trước khi gây hại cho sức khỏe của cộng đồng, bún “bẩn” đã làm khó, cắt đi kế sinh nhai của bao gia đình sinh sống bằng nghề làm bún.
Sau bún “bẩn” chắc chắn rồi sẽ còn nhiều thứ thức ăn, nước uống “bẩn” khác nữa. Lúng túng và bế tắc trong việc dẹp bỏ sẽ tạo điều kiện cho những con sâu này sinh sôi nảy nở, để rồi không chỉ “làm rầu” mà còn phá nát cả “nồi canh” của bao nhà. Không chỉ người tiêu dùng mà cả những nhà sản xuất kinh doanh đang lo. Có điều xem ra họ vẫn chưa biết cách tự bảo vệ và cũng chưa nhận được sự bảo vệ rõ ràng và hiệu quả của pháp luật kinh doanh.
Đình Nam