ClockThứ Năm, 03/10/2013 05:53

Công bằng xã hội

TTH - “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng”. Đó là lời dạy của Bác Hồ trong lúc nhân dân ta đang còn rất gian khổ khi tiến hành sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước. Công bằng là một trong năm mục tiêu cao cả của cách mạng nước ta trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Công bằng xã hội là khát vọng vươn tới và là động lực thúc đẩy mọi hành động của cán bộ, đảng viên và mỗi người dân.

Từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 cho đến nay, công bằng xã hội đã từng bước được thực hiện không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà còn bao trùm nhiều lĩnh vực khác như: chính trị, pháp luật, văn hóa, giáo dục, xã hội, tổ chức cán bộ v.v…

Tuy nhiên, trong nền kinh tế thị trường với mặt tiêu cực vốn có của nó, một điều ai cũng thấy rõ là tình trạng bất công xã hội phát sinh và phát triển. Một số ít kẻ bất tài, kém đức, nhưng bằng những thủ thuật tiêu cực, nên đã được thăng quan tiến chức, sống cuộc đời vương giả.

Gần đây, ở thành phố Hồ Chí Minh, một số doanh nghiệp công ích, lương cán bộ lãnh đạo, quản lý cao gấp 30 đến 40 lần lương công nhân hợp đồng theo mùa vụ. (Lương giám đốc Công TNHH một thành viên Thoát nước đô thị nhận lương năm 2012 là 2,6 tỷ đồng, bình quân 216 triệu đồng/tháng).

Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Nhưng trong thực tế, có không ít trường hợp, dân thì phải chịu hình phạt, một số người có chức có quyền vi phạm pháp luật thì được xử lý nương nhẹ. Kẻ làm ăn phi pháp thì sống phè phỡn, người làm ăn lương thiện thì nghèo khổ, lại còn bị coi thường, khinh rẻ nữa.

Có người cần được “xuất ngoại” để nghiên cứu khoa học kỹ thuật cho đất nước thì không được đi, trong khi có những người gọi là học “giả” thì được ưu ái đi đều đều. Không ít người quyền thì lớn mà trách nhiệm thì nhỏ, hoặc lợi dụng quyền lực đế vun vén cá nhân. Thậm chí có người không chức quyền nhưng vẫn có đặc quyền đặc lợi bằng những thủ thuật tinh vi khác nhau… Đó là hiện tượng những “doanh nhân trời ơi” khi xây dựng được mối quan hệ mật thiết với người có chức, có quyền để được đặc quyền đặc lợi trong kinh doanh sản xuất. Chẳng học hành đến đâu nhưng có tài xoay xở mối quan hệ để nhảy vào các lĩnh vực “kinh doanh nhạy cảm”, nhanh chóng hái ra tiền và khó mất vốn...

Nguyên tắc công bằng xã hội đã bị vi phạm, trước hết là do chúng ta chưa sử dụng sức mạnh tổng hợp của quần chúng để thiết lập và giữ vững trật tự xã hội, từ đó, pháp luật và kỷ cương của Nhà nước bị coi thường. Cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa có thói quen thực hiện dân chủ với dân; đông đảo quần chúng thì chưa có thói quen sử dụng quyền dân chủ của mình. Một số người và cơ sở lợi dụng những sơ hở của cơ chế quản lý để mưu lợi ích cá nhân và lợi ích cục bộ. Kỷ luật của Đảng có lúc, có nơi chưa nghiêm; công tác tư tưởng, tổ chức cán bộ còn không ít bất cập. Đây là một kẽ hở rất lớn làm cho bất công xã hội có điều kiện tồn tại và phát triển.

Để bảo đảm thực hiện công bằng xã hội, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện và xây dựng các chính sách và thể chế với một thái độ công bằng và bình đẳng đối với các đối tượng liên quan.

Các cấp ủy và các tổ chức Đảng quan tâm chăm lo hơn nữa công tác lãnh đạo bảo đảm thực hiện công bằng xã hội. Thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng đi đôi với dân chủ hóa mọi mặt đời sống xã hội là giải pháp quan trọng góp phần ngăn chặn tình trạng vi phạm nguyên tắc công bằng xã hội.

 “Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật” với nội dung là mọi công dân đều được hưởng như nhau về những quyền và phải thực hiện như nhau những nghĩa vụ của công dân, và bất cứ ai phạm pháp cũng đều bị xử lý theo pháp luật. Nguyên tắc này bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và bảo đảm thực hiện công bằng xã hội.

Tăng cường có hiệu quả công tác kiểm tra và giám sát. Cấp dưới giám sát cấp trên, đảng viên giám sát lãnh đạo. Kết hợp kiểm tra từ trên xuống với giám sát từ dưới lên. Công tác kiểm tra của Đảng phải phối hợp chặt chẽ với công tác thanh tra Nhà nước, công tác giám sát của Quốc hội và các cơ quan hành pháp, tư pháp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân theo đúng chức năng và thẩm quyên của mỗi cơ quan.

Thực hiện minh bạch, công khai các chế độ, chính sách để cán bộ, đảng viên và nhân dân biết, giám sát, kiểm tra tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên.

Xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, vi phạm nguyên tắc công bằng xã hội; mặt khác, biểu dương và khen thưởng những người dũng cảm, không khuất phục trước quyền uy, dám tố cáo và đấu tranh đến cùng với những điều bất công trong xã hội.

“Cống hiến về vật chất và tinh thần ngang nhau cho sự phát triển của xã hội thì được hưởng thụ ngang nhau những giá trị vật chất và tinh thần do xã hội tạo ra, phù hợp với khả năng hiện thực của đất nước”. Đó chính là nội dung chủ yếu của công bằng xã hội. Tuy nhiên, công bằng xã hội không có nghĩa là “cào bằng”, thực hiện chủ nghĩa bình quân, bất chấp chất lượng, hiệu quả của hoạt động sản xuất kinh doanh và sự đóng góp của mỗi người cho sự phát triển chung của cộng đồng.

Chiến Hữu - Văn Chính
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top