Thứ Năm, 10/09/2015 07:13
(GMT+7)
Của để dành cho con
TTH - Một trong những niềm tự hào của người dân làng Phụng Chánh, bên kia đầm Cầu Hai là đền Văn chỉ. Chuyện rằng cách nay đã hơn 100 năm, ông Nguyễn Xuân Toản là con dân của làng, học hành thành đạt, làm quan tới chức Án sát tỉnh Quảng Bình. Quý cái sự học, nghĩ rằng mình nên người cũng là nhờ đã biết khổ công đèn sách và công ơn dưỡng thành của cha mẹ, xóm làng, ông Toản đã quyết định đóng góp xây dựng cho làng đền Văn chỉ, tôn vinh và nhắc nhở các thế hệ con dân trong làng quý trọng chuyện học hành. Bao thế hệ dân làng Phụng Chánh đã không quên công ơn này và nhớ về ông Nguyễn Xuân Toản không chỉ ở tư cách một vị quan lớn mà ở chỗ là người có công đầu trong việc xây dựng đền Văn chỉ của làng.
Đền Văn chỉ hay nhiều nơi còn gọi là miếu Văn thánh là một khám phá bất ngờ và thú vị tại các làng quê Việt mà nổi bật là ở Huế. Về đại thể, đó là nơi thờ đức Khổng Tử có gốc gác từ Trung Hoa và các bậc tiên nho, nhưng sâu xa đó là sự biểu hiện của truyền thống “tôn sư trọng đạo” của người Việt ta. Đáng nói là sau một thời gian dài không được chú ý chăm sóc thì gần đây ở nhiều nơi đền Văn chỉ đã được tái thiết và trông coi cẩn thận. Mặt khác, không chỉ tổ chức tốt việc tế lễ và thờ cúng, gắn với đền Văn chỉ, nhiều dòng họ, làng quê ở Huế đã tổ chức các hoạt động văn hóa, giáo dục. Một trong số đó là việc khen thưởng cho các học sinh giỏi, đỗ đạt cao trong một năm học.
Xưa có chuyện Lưu Bình - Dương Lễ. Bạn bè tâm giao, thương quý nhau, giúp nhau lúc khó khăn không phải bằng tiền bạc, chức quyền hay địa vị mà bằng cách tạo điều kiện tốt nhất cho bạn để học hành. Hình ảnh Dương Lễ sống mãi trong tâm thức bao thế hệ người Việt bởi cách giúp bạn không giống ai, gắn với hình tượng “chén cơm hẩm với đĩa cà thâm” và sự “hy sinh” cả người vợ hiền cho bạn là nàng Châu Long xinh đẹp. Ngày nay, khi mà vì nhiều lý do khác nhau, chuyện học hành bị xem nhẹ hay biến dạng thì việc sửa chữa, khôi phục lại các công trình giáo dục hay kèm theo đó là phong trào khuyến học ở làng quê là một nét đẹp văn hóa đáng trân trọng, cần được giữ gìn và phát huy.
Về làng Phụng Chánh nghe dân làng kể chuyện đền Văn chỉ mà thấy lòng rộn rã một niềm vui. Dân quê mình vẫn còn nghèo, họ có nhiều điều để mơ ước và phấn đấu, thế nhưng tự trong sâu thẳm tâm hồn của những bậc làm ông bà, cha mẹ còn nhiều lam lũ kia là khát vọng được học, học giỏi và thành người có học. Đó là trải nghiệm, là nét đẹp văn hóa mang tính truyền thống. Nó khiến ta lại câu thành ngữ xưa “Một kho vàng không bằng một nang chữ”.
Đan Duy