Thịt gia cầm ư? Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, qua kiểm tra các mẫu gà nhập lậu cho thấy, số mẫu có dư lượng thuốc kháng sinh quá giới hạn cho phép chiếm tới 20%. Vì vậy, loại gà này không an toàn, khuyến cáo người dân không ăn. TS. Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng khẳng định, khi ăn phải thịt gà có tồn dư kháng sinh, chắc chắn sẽ có những tác hại đến người tiêu dùng bởi đây đều là những kháng sinh cấm dùng trong chăn nuôi. Nếu ăn nhiều loại thịt này, cơ thể con người sẽ tạo ra thể vi sinh vật kháng thuốc, nhờn thuốc kháng sinh nên khi chúng gây bệnh cho người thì rất khó điều trị.
|
Rau quả càng tươi, tâm lý người mua càng sợ! (ảnh mang tính minh họa). Ảnh: Minh Phương
|
Hải sản ư? Qua tiến hành khảo sát và xét nghiệm 40 mẫu hải sản các loại tại một số chợ trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, mỗi loại 5 mẫu, số lượng 300g/mẫu, gồm nghêu, sò huyết, sò lông, chem chép, sò vẹo,… cho thấy, có 12/40 mẫu hải sản nhiễm Noro virus nhóm GI và GII. Noro virus là một trong những tác nhân gây tiêu chảy hiện nay ở người lớn và trẻ em (chủ yếu là người già) với tỷ lệ tử vong cao. Đặc biệt, trẻ em thường bị mắc Nori virus. Theo TS. Nguyễn Vân Trang, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương: Khi ăn phải hải sản tươi sống hoặc thức ăn, nước uống có nhiễm vi rút này, với thời gian ủ bệnh từ 24 đến 48h, một số người có thể bị tiêu chảy cấp dữ dội, đi tiêu 10-20 lần trong ngày…
Rau củ quả ư? Rau muống non mơn mởm, ngọn vươn lên trong rất ngon lành, nhưng ai biết đó là rau đã được phun thuốc tăng trưởng. Một lần, tôi về chơi nhà anh bạn ở Hương Thủy, nhìn vạt rau muống lên xanh non, tôi buột miệng: “Chà, trưa nay hái rau muống này mà luộc chấm với tương thì ngon hết ý nhỉ!” Thế là em gái của người bạn từ sau bếp chạy vô bảo: “Rau ấy là rau để bán, đã phun thuốc, không ăn được mô bác! Gia đình ăn rau muống ở vạt này này”. Nói rồi, cô em chỉ sang một vạt rau gần đấy, trông cằn cỗi hơn. Các loại củ quả nhập khẩu từ Trung Quốc, các cơ quan chức năng cho biết đều chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép từ 1,5 - 5 lần. Nho, táo, khoai tây, cam… để nửa tháng vẫn tươi như mới hái vì được phun thuốc bảo vệ thực vật. Ở Thanh Hóa, người ta bắt được hàng chục tấn măng tươi đã ngâm, tẩm lưu huỳnh, cùng 80 kg lưu huỳnh dạng cục, 0,4 kg thuốc nổ công nghiệp. Loại măng tẩm hóa chất này họ chế biến thành măng khô bán đi khắp cả nước. Theo các cơ quan chức năng, dùng lưu huỳnh sấy sẽ làm cho măng khô, có độ bóng, không bị ẩm mốc. Tuy nhiên, đây là hóa chất độc hại không được phép sử dụng trong chế biến và bảo quản thực phẩm.
Ngay cả giá đỗ gia đình nào cũng mua ăn hàng ngày, người làm giá cũng dùng hóa chất tăng trưởng để giá đỗ mọc nhanh hơn, mập hơn. Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) qua kiểm tra đột xuất 7/33 cơ sở sản xuất giá ăn ở TP. Hồ Chí Minh. Kết quả phân tích, rà soát, hóa chất có nguồn gốc từ Giang Tô, Trung Quốc Các chất phát hiện gồm hoạt chất 6-benzylaminopurine thuộc nhóm cytokinin và gibberelin A28, là chất cấm sử dụng. Ai dám chắc những chất đó không có ở các cơ sở sản xuất giá đỗ ở Thừa Thiên Huế? Ở Huế, cơ quan chức năng cũng đã phát hiện một số cơ sở sản xuất bún, phở có sử dụng chất phát quang Tinopal, bị cấm sử dụng trong thực phẩm. Chất này tác động đến đường tiêu hóa, niêm mạc ruột gây chậm tiêu, có thể gây viêm loét ruột, dạ dày. Nếu bị nhiễm kéo dài, có nguy cơ gây rối loạn quá trình sinh tổng hợp của tế bào ruột, gan, thận và có nguy cơ bị ung thư,
Vì lợi nhuận trước mắt mà nhiều người sản xuất và bán hàng đã dùng hóa chất trong sản xuất hoặc cho vào thực phẩm để bảo quản được lâu hơn, thực phẩm trông bắt mắt hơn, bất chấp sinh mạng, sức khỏe người tiêu dùng. Trước tình trạng thực phẩm nhiễm độc bán tràn lan các chợ, đi chợ vừa mua vừa run, nhiều gia đình và các bà nội trợ đã có nhiều biện pháp đối phó để mua được “rau sạch”, “thịt sạch”, “bún sạch… :
Thứ nhất, ra chợ thấy các loại rau muống, rau cải, xanh non bất thường thì đừng mua, vì đó có thể là rau đã phun thuốc tăng trưởng. Nên mua các loại rau xanh bình thường, thậm chí có lá bị sâu ăn, đó chắc chắn là rau không bị phun thuốc. Mua cả quả mít non ( mít chưa thái và tẩy trắng) về nhà thái làm rau, hay mua bầu bí nguyên quả. Đối với thịt, cá thì kinh nghiệm nhiều người nội trợ cho biết nên mua lát giữa, vì các loại thuốc bảo vệ thực phẩm họ hay phun ở bên ngoài.
Thứ hai, để chống lại nạn bán thực phẩm nhiễm chất độc, nhiều gia đình đã tự trồng các loại rau như muống, rau ngọt, mùng tơi, hay cải, bí, bầu, nấm… trên sân thượng, hoặc trong các chậu cảnh, vườn nhà gọi là vườn “rau sạch gia đình” (cocohu). Buổi sáng, buổi chiều thể dục bằng chăm tưới rau. Các loại giống, vật liệu và công nghệ chăm sóc rau sạch gia đình này có bán tại các cơ sở thí nghiệm của Trường đại học Nông lâm Huế hoặc hỏi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.