Lối sống văn minh đô thị xem chừng chưa được người dân chú ý, thậm chí có những hành động ngược lại. Huế của chúng ta ngày càng được đầu tư, chỉnh trang với tốc độ đô thị hóa ngày càng cao. Ai cũng hiểu đô thị hóa đòi hỏi con người phải thay đổi hành vi, nếp sống theo tiến trình chuyển động, phát triển của thành phố nơi mình đang sinh sống, lao động, học tập và công tác. Có nghĩa là khi có hiện tượng đô thị hóa thì đòi hỏi mọi người phải có lối sống văn minh hơn, khác với suy nghĩ, hành động, ứng xử “nông thôn hóa” như trước đây.
Có thể thấy những xung đột giữa thói quen ứng xử cũ và mới, tiên tiến và lạc hậu là một tồn tại của người dân. Cho nên vấn đề đặt ra là để thay đổi nếp sống của người dân nhanh hay chậm, trì trệ hay tích cực tùy thuộc vào tư duy và phương pháp quản lý của các nhà hoạch định chiến lược quản lý đô thị. Từ góc độ quản lý đô thị, nhiều chuyên gia cho rằng, chủ thể quản lý phải xây dựng được những tiêu chí văn minh, những giá trị văn hóa... phù hợp với đặc trưng của một thành phố để định hướng cho quá trình đô thị hóa và nếp sống thị dân. Nếp sống văn minh của thị dân biểu hiện ở những hành vi ứng xử văn hóa thấm đẫm tình người. Văn hóa mang tính nhân văn cho cả giữa con người với con người, giữa con người với môi trường sống, con người với thiên nhiên, con người với cộng đồng xã hội trên cơ sở sống và làm việc theo nguyên tắc của pháp luật.
Đã có nhiều thành phố xây dựng tiêu chí tuyến đường văn minh đô thị, nhiều đoàn thể xã hội dấy lên phong trào gương mẫu trong hành xử văn minh, văn hóa nơi khối phố, phường xã. Những chiến dịch truyền thông, vận động nhân dân giữ gìn, bảo quản và chăm sóc nhà ở, cơ quan và các công trình, tài sản nơi công cộng, bảo đảm xanh, sạch, đẹp... Thế nhưng sau vài đợt ra quân rồi đâu lại vào đấy. Xem chừng những kế hoạch theo “mùa vụ” ấy chưa có tác động sâu trong nếp nghĩ, cách ứng xử không văn hóa của cư dân. Nôm na là người dân đang hằn sâu nếp nghĩ, cách hành xử tùy hứng của nếp sống thiếu ý thức tôn trọng pháp luật. Hình ảnh chen nhau qua đường, vượt đèn đỏ, nói năng văng tục khi có những va chạm trên đường phố, tranh giành, chèo kéo khách... là thói quen ung dung tự tại, chưa nhận thức sâu sắc trên cơ sở trọng lý lẽ, trọng luật lệ.
Để thay đổi thói quen ứng xử của người dân, các nhà lãnh đạo, quản lý đô thị phải xác lập đây là cuộc hành trình lâu dài. Từ xác định đó để tránh tình trạng phát động phong trào theo kiểu đánh trống bỏ dùi, chạy theo thành tích hoặc chỉ quan tâm đến giải quyết các sự vụ như ra quân dọn xác trong các dịp lễ tết, hội hè.
Vấn đề đặt ra là phải có đề án xây dựng nếp sống thị dân. Đề án ấy phải cụ thể hóa để người dân dễ nhớ, dễ hiểu, dễ tham gia. Ví dụ như mô hình “Chợ văn minh thương mại”, “Tuyến đường văn minh”, “Khối phố văn hóa”, “Tổ dân phố không rác”, “Nếp sống văn hóa trong thanh niên”... Như vậy, tùy từng mô hình văn minh đô thị, các ngành liên quan cần xây dựng bộ tiêu chí, tiến hành xây dựng mô hình điểm rồi nhân rộng ra các khối phố, phường xã, lan tỏa trong từng hộ gia đình.
Việc xây dựng các bộ tiêu chí cần lồng ghép với các quy định của pháp luật, quyền và nghĩa vụ của người công dân. Làm sao những tiêu chí ấy đi vào trong sinh hoạt của tổ dân phố như là một việc làm lập đi lập lại nhiều lần. Các nhà lãnh đạo, quản lý đô thị, các cấp chính quyền phải coi trọng việc hình thành thói quen, nếp sống văn minh đô thị, ý thức của người dân là việc làm dày công mang tính thường xuyên, liên tục.
Tiêu chí văn minh đô thị, tiêu chí vệ sinh môi trường đô thị, tiêu chí an toàn giao thông, trật tự đô thị... phải được cụ thể hóa. Nội dung của nó ngắn gọn, thiết thực, phải được thường xuyên tuyên truyền, giáo dục đến tận tổ dân phố, các tổ chức đoàn thể xã hội.
Để có tiêu chí về an toàn giao thông, trật tự đô thị cần quan tâm sắp xếp chỗ đậu, đỗ xe phù hợp với quy hoạch và thực hiện đúng quy định. Không để xảy ra trình trạng làm hư hỏng vỉa hè, lòng đường, cống thoát nước, điện chiếu sáng và hệ thống biển báo giao thông. Không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh buôn bán...
Từ nền tảng cộng đồng với những tiêu chí, những quy tắc ứng xử văn minh thấm sâu trong nếp nghĩ, cách hành xử của người dân; mô hình tốt cần nhân rộng, nơi nào yếu kém cần lên án, công khai giữa bàn dân thiên hạ, chắc chắn ý thức thị dân trong mỗi con người sẽ dần thay đổi.
Đô thị hóa tạo những đổi thay nhanh chóng làm cho con người chưa thay đổi kịp những hành xử cũ xưa quen thuộc đã có. Cho nên phải làm cho người dân tiếp thu cách suy nghĩ mới, hành xử mới.