ClockThứ Năm, 26/11/2015 18:10

Doanh nghiệp Huế hội nhập thế nào

TTH - Gần đây, chúng ta thường nghe kết thúc đàm phán TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương) gồm 12 nước, trong đó có Việt Nam. Thực ra không phải đợi đến TPP mà Việt Nam đã hội nhập sâu rộng cách đây cả chục năm bằng các hiệp định thương mại song phương, đa phương khác (các FTA).

Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp của Thừa Thiên Huế hội nhập ra sao? Cốt lõi của TPP và các FTA là cắt giảm hàng ngàn dòng thuế trong sân chơi chung của 12 nước thành viên và các nước tham gia ký kết các hiệp định. Khi không còn hàng rào kỹ thuật về thuế, nghĩa là đã đặt các thành viên trong một cuộc cạnh tranh bình đẳng. Từ đây, các doanh nghiệp buộc phải đi ra biển lớn.

Nói như thế để thấy rằng, các doanh nghiệp của tỉnh cũng không thể khác hơn. Vấn đề đi ra biển lớn bằng con thuyền vững chãi hay bằng một con thuyền có vẻ hết sức mong manh. Có vài điểm cần nhìn nhận:

Các doanh nghiệp của Thừa Thiên Huế phần lớn, nếu tính về số lượng thì đến hơn 95% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ. Đặc điểm của các doanh nghiệp này là hoạt động ở thị trường nội địa, trong đó không ít là nội địa của Huế. Yếu cả về nguồn vốn và định hướng phát triển, quản lý doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại thì còn có cơ hội đứng được, nhưng quy mô nhỏ. Tuy nhiên đối với các doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực sản xuất, ví dụ như hàng tiêu dùng, xem ra rất khó cạnh tranh. Từ nhiều năm trước, chúng ta đã thấy hàng tiêu dùng Thái Lan đã có mặt và ngày càng nhiều hơn ở Thừa Thiên Huế. Nói như thế để thấy rằng, hội nhập đưa lại cơ hội nhưng cũng là những thách thức rất lớn. Các doanh nghiệp phải nghiên cứu, hiểu điều này để có những ứng phó hoặc chuyển hướng sang những lĩnh vực phù hợp. Quy mô chúng ta nhỏ, chúng ta có thể làm vệ tinh cho các nhà sản xuất, xuất khẩu trong nước.

Kim ngạch xuất nhập khẩu của Thừa Thiên Huế những năm gần đây có mức tăng trưởng cao hơn nhờ vào dệt may. Song chúng ta cũng nhìn thấy các mặt hàng xuất khẩu rất hạn chế. Ngoài dệt may, các sản phẩm có thể kể đến là khoáng sản, hải sản, bia, phân bón… nhưng quy mô không lớn. Chính vì vậy, có thể nói hội nhập kinh tế của Thừa Thiên Huế dựa hẳn vào dệt may. Quan tâm đến hội nhập kinh tế chính là phải quan tâm đến lĩnh vực dệt may. Phải tìm hiểu chính sách ưu đãi thuế từ nguyên liệu ở công đoạn nào để có thể đưa ra những biện pháp thích ứng. Nghiên cứu công đoạn nào trong dệt may đưa lại giá trị gia tăng nhiều nhất để có thể đầu tư. Nếu không, thứ nhất chúng ta quá phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu. Thứ đến chúng ta trở thành một trung tâm gia công hàng xuất khẩu, mà công đoạn gia công là công đoạn có giá trị gia tăng thấp nhất.

Hội nhập sâu rộng, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp. Ở Thừa Thiên Huế, lĩnh vực nông nghiệp và người dân sống ở vùng nông thôn còn chiếm tỷ lệ cao. Nông nghiệp của Thừa Thiên Huế tính chất hàng hóa không cao, số lượng ít. Khi hội nhập, sản phẩm nông nghiệp của các nước tràn vào. Ví dụ như đùi gà công nghiệp của Mỹ nhập khẩu vào nước ta, đến tay người tiêu dùng ở TP Hồ Chí Minh chỉ dưới mười ngàn đồng. Trái cây tươi của Thái Lan hay trái cây đã qua sơ chế dù đắt hơn nhưng vẫn có tính cạnh tranh cao... Vì vậy, có thể nhìn thấy khu vực nông thôn ở Thừa Thiên Huế có những ảnh hưởng. Nền nông nghiệp của nhiều nước trong khối ASEAN đã phát triển hơn ta. Nếu cứ duy trì nền nông nghiệp như hiện tại, cơ sở để nâng cao đời sống của người nông dân là rất khó khăn. Người nông dân họ khó có thể một mình xoay xở trong cơn bão hội nhập. Vì vậy rất cần sự trợ giúp của chính quyền bằng các định hướng, chính sách, tổ chức thực hiện hết sức cụ thể.

Nguyên Lê
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top