ClockThứ Năm, 11/07/2013 05:49

Du lịch và môi trường du lịch

TTH - Thời gian qua, khi đề cập đến khai thác thế mạnh du lịch, ở các cuộc hội thảo, hội nghị chuyên ngành, nhiều nhà quản lý du lịch cho rằng khách quốc tế đến Việt Nam tỏ ý chưa hài lòng về môi trường du lịch.

Tại hội nghị trực tuyến về cải thiện môi trường du lịch, nhiều vấn đề được đặt ra, đáng quan tâm nhất là tệ “chặt chém”, “đeo bám” du khách có biểu hiện gia tăng làm cho môi trường du lịch thiếu an toàn, mất đi tính thân thiện trong lòng du khách. Ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng... nạn đeo bám du khách là hình ảnh khó chấp nhận được.

Rao vặt, quảng cáo vẫn nhan nhãn trên đường phố Huế. Ảnh: Thái Sơn

Phản ảnh của khách nước ngoài cho thấy hoạt động tự do của các loại xe taxi khiến lái xe có nhiều hành vi gian dối, ăn chặn tiền của du khách. Lợi dụng khách nước ngoài bất đồng ngôn ngữ, cánh tài xế tìm đủ cách để “sơn” tiền của họ. Từ lộ trình đến quy đổi tiền Việt và USD. Đồng hồ tính cước trên xe “nhảy múa”, khách được đưa đi lòng vòng qua nhiều con phố mới quay đến điểm cần đến. Tại các điểm du lịch thường xảy ra tình trạng khách sạn, phương tiện vận chuyển, dịch vụ ăn uống tăng giá. Việc chủ các nhà hàng, quán ăn chi hoa hồng cho tài xế, xích lô, hướng dẫn viên du lịch khi đưa khách đến dẫn đến tình trạng chèo kéo, tranh giành đưa đón du khách làm mất tính thân thiện trong môi trường du lịch.

Ở Thừa Thiên Huế, nạn đeo bám du khách là hình ảnh khó coi trước các điểm tham quan du lịch. Ngành VH, TT&DL và các lực lượng hữu quan nhiều lần phối hợp ngăn chặn tệ nạn này. Thế nhưng sau vài đợt ra quân, tình hình trên lại lặp đi lặp lại chưa thể giải quyết tận gốc. Giải pháp để lập lại môi trường du lịch lành mạnh được đặt ra tại các hội nghị chuyên ngành là nâng cao ý thức của người dân cùng tham gia với chính quyền, các ngành từ phường, xã đến thành phố xây dựng môi trường du lịch lành mạnh, thân thiện. Giải pháp đã có nhưng triển khai thực hiện thì chưa. Sự phối hợp giữa các ngành và địa phương xem ra còn bỏ ngỏ. Từ đó, tình trạng “ô nhiễm môi trường du lịch” kéo dài, ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh du lịch của Thừa Thiên Huế. Để rồi ngành này đổ lỗi cho ngành kia. Phường, xã đứng ngoài cuộc do chưa có sự phối hợp để cùng gìn giữ môi trường du lịch chung cho tỉnh nhà.

Mới đây, Bộ VHTT&DL đưa ra 10 giải pháp nhằm cải thiện hình ảnh du lịch Việt Nam. Những việc làm cần chú ý là công bố các địa điểm, dịch vụ đạt chuẩn và khuyến cáo du khách các địa điểm không nên đến; gắn camera tại một số trung tâm du lịch hay xảy tình trạng cướp giật, chèo kéo du khách. Quy hoạch lại hoạt động du lịch - dịch vụ tại các điểm tham quan di tích; cung cấp thông tin về y tế, anh ninh qua internet để phục vụ du khách. Điều quan trọng là có lực lượng tiếp nhận, xử lý thông tin khi xảy ra vụ việc du khách bị xâm hại.

Kinh nghiệm của Thái Lan là thành lập các trạm cảnh sát để bảo vệ du khách, giải quyết những vấn đề khó khăn của du khách. Nhiều địa phương ở miền Trung như Hội An đã đề cao vai trò của cộng đồng trong cải thiện môi trường du lịch; Nha Trang, Bình Thuận thì thiết lập đường dây nóng phục vụ du khách; thành lập lực lượng thanh niên xung phong bảo vệ khách ở TP Hồ Chí Minh...

Đó là những cách làm mang lại hiệu ứng thực sự góp phần cải thiện môi trường du lịch.

Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm du lịch lớn của miền Trung và cả nước. Thế mạnh du lịch của tỉnh là có 2 di sản thế giới, có sông Hương thơ mộng, có làng cổ, có nhà vườn, biển cả và đầm phá. Đặc biệt có khu du lịch nổi tiếng Lăng Cô – Bạch Mã. Thừa Thiên Huế còn có Cố đô Huế, trung tâm văn hóa lịch sử đặc sắc... Thiết nghĩ cần có những giải pháp tối ưu nhằm cải thiện môi trường tham quan du lịch. Môi trường du lịch hiểu theo nghĩa rộng hơn. Từ việc không xả rác bừa bãi; đưa đón du khách đến tận nơi thăm thú an toàn; hướng dẫn và thuyết minh để cho du khách hiểu sâu hơn về di sản vật thể, phi vật thể của nhân loại đang hiện hữu ở vùng đất Cố đô; công khai giá cả, thân thiện và niềm nở khi giao tiếp với du khách; sẵn sàng giúp đỡ và tạo điều kiện cho du khách có những ngày đến Huế an toàn, thoải mái, thích thú và ấn tượng của một chuyến du lịch.

Trong một cuộc họp bàn về môi trường du lịch, câu hỏi được đặt ra là để xảy ra tình trạng “chặt chém”, chèo kéo du khách ai chịu trách nhiệm? Người đứng đầu địa phương hay ngành du lịch? Tất nhiên để bảo vệ du khách, ngành du lịch không thể đơn phương thực hiện được mà cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp.

Thành lập trung tâm hỗ trợ du khách là vấn đề được các nhà quản lý du lịch đặt ra. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền vận động người dân qua các chiến dịch “Nụ cười Việt Nam”, “Du khách chính là người thân của mình”... nhằm nâng cao nhận thức, nếp quen trong cộng đồng hướng đến một môi trường du lịch thân thiện.

Thế mạnh du lịch đã có sẵn. Khai thác thế mạnh này như thế nào để mang lại hiệu quả cao nhất, gây ấn tượng sâu sắc nhất trong lòng du khách là trách nhiệm của người dân Thừa Thiên Huế, là sự phối hợp cùng hành động của các địa phương, các ngành, các cấp trong điều hành, quản lý du lịch.

Chiến Hữu - Văn Thanh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top