ClockThứ Năm, 12/09/2013 05:35

Du lịch văn hóa và văn hóa du lịch

TTH - Từ lâu, du lịch được coi là một trong những ngành công nghiệp hàng đầu thế giới và trở thành nhu cầu phổ biến đối với nhiều người. Nhiều nước coi du lịch như là một ngành kinh tế mũi nhọn không chỉ mang lại lợi ích kinh tế to lớn, thu hút khối lượng lao động không nhỏ vào dịch vụ này, mà còn góp phần nâng cao dân trí, giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc, lòng yêu thương quê hương đất nước. Đồng thời, nó cũng góp phần mở rộng giao lưu văn hóa giữa các dân tộc cũng như tăng cường tình hữu nghị, giữ gìn hòa bình trên thế giới.

Thế kỷ 21 là thế kỷ du lịch trong phạm vi toàn cầu và là thời kỳ hoàng kim của ngành du lịch. Trên thế giới có hàng trăm triệu người đi du lịch với mục đích là tìm hiểu con người, phong tục tập quán, sinh hoạt của các dân tộc khác nhau, những di tích văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh, tận hưởng giá trị tinh hoa của nhân loại về văn hóa của mọi miền đất nước. Tất nhiên, để đạt mục đích trên, du khách đòi hỏi phải có cơ sở vật chất và các phương tiện hiện đại để ăn ngủ, đi lại, thông tin liên lạc… dễ dàng, thuận tiện.

Văn hóa là di sản vô giá của dân tộc, bao gồm cả tinh thần và vật chất, ta phải giữ gìn, sàng lọc cái tinh túy, cái tốt đẹp mang bản chất của dân tộc. Nói tới du lịch là phải nói tới văn hóa. Nếu du lịch mà thoát ly đời sống văn hóa xã hội thì hoạt động du lịch sẽ trở thành hoạt động vật chất tầm thường và đơn điệu. Ngược lại, một công trình văn hóa, một khu di tích lịch sử mà không có sự chiêm ngưỡng, đánh giá của người đời thì đó là nền văn hóa chết.

Nội dung và mục đích của du lịch là văn hóa theo nghĩa rộng của nó. Du lịch văn hóa là sự phát triển mới của du lịch hiện nay trên thế giới, là mô hình du lịch được ưa thích và có nhiều triển vọng phát triển nhanh nhất. Đó là vấn đề cốt lõi không thể bỏ qua khi xây dựng chiến lược phát triển du lịch.

Việt Nam là một quốc gia có đầy đủ điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch văn hóa với những di tích lịch sử phản ánh quá trình dựng nước và giữ nước đáng tự hào của dân tộc; một hệ thống các di tích văn hóa minh chứng hùng hồn cho các nền văn hóa của dân tộc Việt Nam; những danh lam thắng cảnh tự nhiên với những nét đẹp sơ khai, hòa hợp với những di tích do con người tạo ra, ngoài vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, còn in đậm những giá trị nhân văn tạo nên bởi chính bàn tay, khối óc của người dân Việt Nam; các lễ hội phản ánh rõ nét đời sống sinh hoạt văn hóa của dân tộc ta; các phong tục tập quán của 54 dân tộc anh em sinh sống, ngoài tính thống nhất được hình thành trong quá trình lịch sử, lại có bản sắc riêng của từng dân tộc mang giá trị văn hóa cao; các loại hình nghệ thuật phong phú, độc đáo với các làn điệu dân ca cùng các điệu múa dân tộc đặc sắc… Việt Nam còn là quê hương của nhiều ngành nghề truyền thống với những sản phẩm nổi tiếng mang tính nghệ thuật cao và một nền văn hóa ẩm thực với hàng trăm món ăn dân tộc độc đáo với một nghệ thuật chế biến tinh tế.

Thừa Thiên Huế là một trong những tỉnh có tiềm năng du lịch văn hóa nổi trội. Vùng đất có những 2 di sản văn hóa thế giới, có nền văn hóa tâm linh, văn hóa ẩm thực, văn hóa dân gian, những điệu hò, những danh lam thắng cảnh tuyệt vời… thu hút du khách thập phương tham quan tìm hiểu.

Đó là điều kiện cơ bản để tỉnh nhà phát triển nhanh du lịch và du lịch văn hóa cả bề rộng và bề sâu. Tiềm năng ấy nếu được quy hoạch, tổ chức khai thác tốt, Thừa Thiên Huế sẽ có nhiều sản phẩm du lịch văn hóa với sức hấp dẫn cao.

Hiện nay, các nước trên thế giới đang cố gắng gìn giữ vẻ đẹp thiên nhiên, các di tích cổ thì dường như chúng ta có tâm lý muốn xây dựng thật nhiều khách sạn cao tầng. Tất nhiên cần có những khách sạn ngang tầm nhưng không nhất thiết chỗ nào cũng một kiểu như thế. Phải tùy từng trung tâm du lịch văn hóa để xây dựng một vùng du lịch có nghệ thuật kiến trúc độc đáo, mang bản sắc văn hóa riêng của Huế.

Du lịch văn hóa là phải có văn hóa trong du lịch. Văn hóa du lịch trước hết là trình độ văn hóa tổng hợp của đội ngũ cán bộ, nhân viên làm du lịch.

Nhân viên lễ tân ở khách sạn không thể là những con người thiếu học vấn, thiếu lịch sự. Nhân viên phục vụ bếp làm món ăn đồng thời là mỗi “tác phẩm” đầy sáng tạo, bởi nhu cầu của du khách không chỉ là ăn no, mà còn thưởng thức cái tinh hoa, cái thanh lịch, cái hương vị của xứ sở và của những bàn tay nội trợ Việt Nam. Hoạt động của các nhân viên phục vụ cũng phải toát ra sắc thái văn hóa một cách tinh tế. Sự niềm nở, cởi mở, thái độ lịch sự, tao nhã, thanh lịch, kiến thức rộng, ngoại ngữ thành thạo… sẽ tạo ra vẻ đẹp của con người văn hóa Việt Nam, nhanh chóng chiếm được cảm tình của du khách từ xa mới bước chân đến.

Tính văn hóa trong du lịch còn phải kể đến một mặt nữa rất quan trọng là yếu tố văn hóa nhân dân được thể hiện trong đội ngũ nhân viên hàng không lịch sự, cán bộ hải quan nói năng khiêm tốn, chiến sĩ công an hòa nhã, lễ độ…

Trong việc khai thác văn hóa du lịch, nhiều khách sạn ở Huế đã sử dụng nghệ thuật dân tộc như âm nhạc, múa, trang trí, trang phục…bước đầu có hiệu quả.

Du khách quốc tế những năm gần đây thiên về khuynh hướng muốn được tiếp xúc với tình trạng nguyên sơ của một xã hội. Họ rời những khách sạn đồ sộ, sang trọng để đòi hỏi được cắm trại ven rừng, được bắn chim, câu cá, gặp nhân dân… Điều này không thể nhầm lẫn với việc họ đòi hỏi một trình độ văn hóa cao nơi họ đến.

Những hành vi “thiếu văn hóa” của một số người làm du lịch, hướng dẫn viên du lịch trong một số trường hợp, đã làm thất vọng du khách.

Cái nền của du lịch là văn hóa. Nâng cao ý nghĩa văn hóa của du lịch, kết hợp hài hòa giữa du lịch văn hóa và văn hóa du lịch là một trong các yêu cầu bức thiết cần được quan tâm hơn nữa, không chỉ đối với những người làm du lịch mà còn đối với cả xã hội nói chung. Và chỉ có giải quyết tốt yêu cầu này, ngành du lịch và du lịch văn hóa mới có thể phát triển nhanh và bền vững.

Chúng ta phải làm sao cho du khách nước ngoài luôn được tiếp cận với văn hóa Việt Nam, văn hóa Huế trong mọi lĩnh vực đón tiếp, nghỉ ngơi, ăn chơi, giải trí… và nội dung chương trình du lịch, trên cơ sở đó, góp phần đưa ngành du lịch Thừa Thiên Huế phát triển mạnh mẽ, khẳng định vai trò, vị thế của một ngành kinh tế quan trọng, tạo ra nguồn thu lớn cho ngân sách và cung ứng nhiều việc làm cho người lao động.

Chiến Hữu - Văn Thanh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top