ClockThứ Năm, 29/10/2015 14:41

Đường bay nghĩa tình

TTH - Sau nhiều bàn cãi và chuẩn bị, cuối cùng chuyến bay đầu tiên của tuyến bay Huế - Đà Lạt, nối lại sau 20 năm, đã được khai trương. Sáng 25/10, tại Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài, tỉnh Thừa Thiên Huế long trọng tổ chức lễ đón 180 hành khách và đoàn lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đi trên chuyến bay Airbus A320 của Hãng Hàng không Jetstar Pacific khởi hành từ Cảng Hàng không Liên Khương (Đà Lạt). Đồng thời, cũng ngay trong ngày hôm đó, một chuyến bay cũng được khởi hành theo hành trình ngược lại.

Yếu tố kinh tế và thương mại là vấn đề trước tiên phải được tính đến trong việc khai trương một tuyến bay. Theo ý nghĩa đó, việc Huế và Đà Lạt có tuyến bay dân dụng đã đáp ứng được yêu cầu đi lại và kích thích nhu cầu giao thương kinh tế giữa hai địa phương vốn có tiềm năng lớn trong phát triển du lịch ở miền Trung và Tây Nguyên của Việt Nam, được kỳ vọng là cầu nối hiệu quả giữa 2 trung tâm du lịch lớn này trong thời gian tới. Tuy nhiên, vượt lên trên ý nghĩa đó, việc khai trương tuyến bay còn mang một giá trị nhân văn đích thực.

Tuổi đời còn rất trẻ, chỉ có lịch sử hơn 100 năm hình thành và phát triển, Đà Lạt là vùng đất mới, nơi hội tụ của nhiều cộng đồng dân cư trên cả nước sinh sống và lập nghiệp. Cùng với người dân Đà Lạt gốc Bắc và gốc Nam Trung Bộ, người Thừa Thiên Huế tự hào là một trong cộng đồng dân cư lớn nhất góp phần hình thành nên con người Đà Lạt hôm nay. Ngay từ năm 1926 - 1927, những công nhân đầu tiên của Sở trà Cầu Đất, trong đó chủ yếu là người Thừa Thiên Huế đã đứng ra xin thành lập làng Trường Xuân trên đất Đà Lạt. Không lâu sau đó là sự ra đời của ấp Ánh Sáng, lúc đầu là nơi cư ngụ của 5 - 6 gia đình người dân các làng Kế Môn, Phước Yên (Thừa Thiên Huế), trong đó 3 anh em Cao Quang Kỳ, Cao Quang Chưởng và Cao Xá là những người đầu tiên khai phá vùng đất ven suối này. Rồi nữa, sau đó là ấp Thái Phiên. Đó là những địa danh gắn liền hình ảnh con người xứ Huế trên vùng đất cao nguyên Đà Lạt trong buổi ban sơ.

Khác với luồng cư dân lập ấp từ Bắc vào hay những nơi khác tới, hành trình của nguồn cư dân Thừa Thiên Huế đến với Đà Lạt là những cuộc hành trình lẻ tẻ, đầy gian khổ. Vào những năm 1930, phương tiện chủ yếu là đi bộ, từ Thừa Thiên Huế vào Đà Lạt phải đi bộ mất khoảng một tháng trời. Theo nhiều nhà nghiên cứu, sở dĩ người dân Thừa Thiên Huế bỏ quê hương đến Đà Lạt lập nghiệp vì họ muốn tránh lánh sự tàn phá của chiến tranh, muốn thoát khỏi chế độ tô thuế nặng nề, họ muốn tìm một vùng đất mà thiên nhiên và khí hậu ưu đãi con người. Thế rồi sau một thời gian chịu khổ xây dựng và ổn định cuộc sống, họ trở lại thăm quê nhà và cùng với những người đồng hương lên Đà Lạt xây dựng quê hương mới. Hành trình đó tiếp tục kéo dài cho đến cách nay không lâu.

Nhắc lại lịch sử ra đời của Đà Lạt và hành trình đông đảo và liên tục bao thế hệ cư dân Thừa Thiên Huế đến với Đà Lạt để thấy rằng, tuyến bay Huế - Đà Lạt và ngược lại hôm nay mang nặng dấu ấn nghĩa tình. Đó không chỉ là những chuyến đi xa thăm thú và thưởng ngoạn, mà còn là hành trình trở về với nguồn cội, với nơi chôn nhau cắt rốn của bao người.

Đan Duy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top