Đây hoàn toàn là điều có thật khi sau dự án nhà kính Vineco Tam Đảo (quy mô 24,5 ha đã được khởi công, lắp đặt và xây dựng với tổng trị giá gần 1.000 tỷ đồng), Vingroup sẽ khởi công dự án nhà kính rộng 30 ha tại Củ Chi (TPHCM), Long Thành (Đồng Nai). Sau đó sẽ là sự đầu tư ở một số địa chỉ tiếp theo như Quảng Ninh, Sapa, Lào Cai, Hải Dương, Thanh Hóa, Kontum…
Ngoài việc sử dụng công nghệ Isarel, Nhật Bản, việc áp dụng công nghệ cơ giới hóa và tự động hóa tiên tiến hàng đầu trên thế giới với việc tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về chất lượng, quy trình chăm sóc, thu hoạch, đóng gói, bảo quản và phân phối…điều mà Vingroup mong muốn là sẽ mang đến cho người tiêu dùng rau sạch và rau hữu cơ đạt chuẩn Vietgap và GlobalGap.
Vingroup rõ ràng đã nhìn thấy một phân khúc đầy tiềm năng khi đầu tư một cách chiến lược vào rau sạch thương phẩm. Trước họ, chưa có một group nào đủ lực từ nguồn vốn, đến xây dựng quy trình, xác lập thương hiệu và có một hệ thống phân phối sản phẩm đủ mạnh để có thể chủ động được nguồn cung. Tất nhiên, trước hết phải là khảo sát và định lượng được nguồn cầu. Còn quá sớm để nói về thời vận, nhưng với những diễn tiến đang có trên thị trường tiêu dùng nông sản, khi mà niềm tin vào sản phẩm sạch đang quá chông chênh; khi mà chất độc hại đang hàng ngày, hàng giờ đe doạ an sinh sức khoẻ của người dân thì việc xuất hiện một thương hiệu đủ lực và đủ uy tín hẳn sẽ được chào đón. Còn chào đón như thế nào, đến đâu... là phần việc của chính tập đoàn này và cách mà họ điều hành.
Điều mà tôi muốn đề cập ở đây là ngay cả một chương trình được đầu tư khá rộn ràng và rộng khắp, thậm chí là được đầu tư đến từng hộ dân trong vùng có dự án, nhằm mang đến những vùng rau sạch là VietGap trong thời gian qua đã không mấy thành công, và VietGap ở Thừa Thiên Huế cũng không phải là một ngoại lệ. Không phải là không nắm được quy trình kỹ thuật để rồi hết dự án là hết VietGap mà vấn đề ở chỗ, người nông dân chỉ đi được hơn phân nửa chuỗi quy trình như làm đất, chọn giống và chăm sóc. Điều đáng nói là phần còn lại của quy trình là xây dựng thương hiệu, lưu thông ra thị trường lại chưa “đi đến nơi về đến chốn” và là phần quan trọng nhất. Không có sự ổn định, kéo theo việc niềm tin khó gầy dựng. Và cái này luôn là hệ quả của cái kia.
Có vẻ như Vingroup đang là một “ông lớn” khi bước chân vào lĩnh vực nông sản sạch và với một “ông lớn” thì VietGap, GlobalGap... mới thật sự có cơ hội và điều kiện để tạo thành chuỗi giá trị có giá trị gia tăng nhiều nhất?