ClockThứ Năm, 04/07/2013 05:13

Hồ có từ sông

TTH - Hơn 40 hồ lớn nhỏ chỉ trong phạm vi 520 ha Kinh thành, chưa kể Hộ Thành Hào bao bọc xung quanh, cũng chưa tính cả thế kỷ nay có rất nhiều hồ đào nữa được hình thành, không chỉ là “thành phố của dòng sông” hay “thành phố nhà vườn”, Huế mình còn xứng đáng với danh xưng “thành phố hồ”.

Chuyện về sự hình thành của hồ ở Huế mang đầy sự bất ngờ cần được khám phá. Ở đây có những hồ tự nhiên hay được đào vì những nhu cầu khác nhau trong cuộc sống. Chẳng hạn, để xây dựng Kinh thành, năm 1805 vua Gia Long đã cho dời dân cư lấy đất của 8 làng Phú Xuân, Vạn Xuân, Diễn Phái, An Vân, An Mỹ, An Bảo, Thế Lại. Hệ quả là làm xuất hiện các hồ Hoàng thành, hồ Mộc Đức hay hồ Sen ở Nội thành. Sau này, nhằm nhiều mục đích như tôn tạo cảnh quan, phục vụ những nhu cầu sinh hoạt của triều đình và quân đội, nhà Nguyễn tiếp tục cho đào nhiều hồ lớn, như hồ Xã Tắc, hồ Sấu, hồ Thanh Minh, hồ Phong Trạch, hồ Trấn Bình Đài. Tuy nhiên, nét thú vị đặc biệt của hồ ở Huế là sự hình thành không một vài hồ đơn lẻ mà cả một hệ thống hồ là vết tích của những dòng sông cũ.

Rằng khi xây dựng Kinh thành Huế, vua Gia Long cho lấp 2 chi lưu của Hương giang là sông Kim Long và sông Bạch Yến ở những đoạn đi qua Kinh thành; đồng thời nắn dòng chảy, đào thêm hệ thống sông mới chảy vòng quanh 3 mặt đông - bắc - tây của Kinh thành là Hộ Thành Hà và ở bên trong Kinh Thành là sông Ngự Hà. Học giả nghiên cứu Huế người Pháp nổi tiếng Cadière trong một công trình khảo cứu đã chỉ rõ nguồn gốc hình thành của hơn 20 hồ lớn nhỏ vốn là vết tích của sông Kim Long và Bạch Yến. Hồ có dấu tích cũ của sông Bạch Yến là chuỗi các hồ nằm kế tiếp nhau ở góc thành phía tây, phía đông và chạy dọc mép trong mặt thành phía sau, nổi tiếng với các hồ lớn như Tây Hồ, hồ Khám, hồ Hữu Bảo, hồ Tiền Bảo, hồ Vuông, hồ Tự. Còn lại mang dấu tích của dòng sông Kim Long có hồ Tân Miếu, hồ Võ Sanh, hồ Phú Văn, hồ Nhân Hậu, hồ Học Hải và đặc biệt là hồ Tịnh Tâm nổi tiếng.

Trong suốt nhiều ngày liền của mùa hè, tôi đã lang thang khắp vùng Kinh thành, đi tìm lại dấu tích của những hồ lớn có một xuất xứ đặc biệt, hình thành từ các dòng sông đã bị bồi lấp trong lịch sử. Vẫn còn đó những không gian hồ xưa đầy chất huyền thoại và mơ mộng mà tôi được đọc trong sách vở. Vậy nhưng, bao trùm lên tất cả lại là một khung cảnh hồ bị lấn chiếm với rất nhiều những lý do khác nhau. Đó là tình trạng nhiều hồ bị đắp bờ, ngăn đập thành nơi nuôi cá, trồng rau hay thả sen. Đó cũng là tình trạng lấn chiếm đất ven hồ làm nhà, làm quán kinh doanh. Người ta đổ đất, đóng cọc làm nhà, biến lòng hồ thành nơi tiếp nhận đủ thứ cặn bã và rác rưởi gây nên tình trạng ô nhiễm nước hồ nghiêm trọng. Những lòng hồ xưa rộng lớn được ghi rõ trong sử sách, thế mà giờ đây còn lại bé xíu, khó có thể hình dung sẽ như thế nào trong tương lai.

Nghiên cứu về hồ ở Huế, đặc biệt ở Nội thành, người ta nói nhiều đến chức năng cơ bản về cân bằng môi trường sinh thái và điều tiết nước thải. Đó cũng là lý do khiến cho không phải vô cớ mà ông cha ta xưa bỏ đất đào hồ và lấp sông cũng không dám thẳng tay làm hết mà quyết chừa lại làm hồ. Để rồi, trong cuộc sống, hồ không chỉ có lợi về mặt dân sinh mà còn tạo nên những điểm nhấn đẹp cho xứ Huế. Không phải ngẫu nhiên mà trong chùm thơ ca ngợi cảnh đẹp đất Thần kinh, vua Thiệu Trị đã dành 2 bài thơ cho hồ, một là hồ Tịnh Tâm và một là hồ Nội Kim Thủy trong Hoàng thành Huế. Chỉ với 2 câu kết trong bài thơ “Tịnh hồ hạ hứng” viết về hồ Tịnh Tâm nổi tiếng vua Thiệu Trị: “Y nhiên nhân trí tình vô hạn / Đồng lạc giao phu thảo vật gia”, nhà thơ Ngô Văn Phú dịch là “Lâng lâng nhân trí, tình sâu rộng/ Cảnh sắc yêu người, chớ bỏ qua!”, đã thấy xao động và càng thêm trân trọng về vẻ đẹp và những giá trị mà hồ mang lại cho xứ Huế.

Hồ Tịnh Tâm nguyên là vết tích cũ của đoạn sông Kim Long xưa chảy qua Huế. Đầu thời Gia Long, triều đình cho cải tạo một số đoạn sông và khơi dòng theo hướng khác để tạo thành Ngự Hà và hồ Ký Tế. Hai bãi nổi trong hồ này được dùng làm nơi xây dựng kho chứa thuốc súng và diêm tiêu. Năm Minh Mạng thứ 3 (1822), triều Nguyễn đã huy động tới 8.000 binh lính tham gia vào việc cải tạo hồ. Năm 1838, vua Minh Mạng cho di dời hai kho sang phía đông, tái thiết nơi này thành chốn tiêu dao, giải trí và gọi là hồ Tịnh Tâm. Đó là hồ tiêu biểu có được từ sông ở Huế. Nó cho thấy, bỏ công đào đắp cả hệ thống hồ lớn nhỏ, trong đó có hồ Tịnh Tâm, một biểu tượng của Huế, ông cha ta ngày trước không chỉ nghĩ việc dân sinh mà còn tính đến chuyện mang lại cho kinh kỳ cảnh quan sinh thái mơ mộng bậc nhất.

Đan Duy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top