ClockThứ Năm, 15/08/2013 05:25

Kiểm tra - một chức năng lãnh đạo của Đảng

TTH - Ngay từ những năm đầu của chính quyền cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ tầm quan trọng của công tác kiểm tra: “Khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do nơi cách tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ và do nơi kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài, thì chính sách đúng mấy cũng vô ích… Có kiểm tra mới huy động được tinh thần tích cực và lực lượng to tát của nhân dân, mới biết rõ năng lực và khuyết điểm của cán bộ, mới sửa chữa và giúp đỡ kịp thời”.Người còn khẳng định: “Có thể nói rằng, chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra”.

Trải qua hơn 82 năm lãnh đạo cách mạng, Đảng ta đã đúc rút bài học kinh nghiệm quý báu, mang tính quy luật: Đã lãnh đạo thì phải có kiểm tra. Lãnh đạo mà không kiểm tra thì coi như không có lãnh đạo.

Chức năng, nhiệm vụ, nội dung, đối tượng, quyền hạn kiểm tra của cấp ủy, tổ chức Đảng từ Trung ương đến cơ sở đã được quy định rõ trong Điều lệ Đảng, trong các nghị quyết, chỉ thị của Đảng.

Đại hội XI của Đảng đã chỉ rõ: “Các cấp ủy, tổ chức Đảng phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo Điều lệ Đảng. Tập trung kiểm tra, giám sát việc chấp hành Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, luật pháp, chính sách của Nhà nước...Chú trọng kiểm tra, giám sát người đứng đầu tổ chức đảng, nhà nước, mặt trận và các đoàn thể nhân dân các cấp trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao… Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và hoạt động của hệ thống ủy ban kiểm tra các cấp…”

Những năm gần đây, tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống… của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên như Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã chỉ rõ, có phần trách nhiệm của công tác tư tưởng, công tác cán bộ và công tác kiểm tra.

Trong tình hình hiện nay, cần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp. Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện và xây dựng, ban hành mới các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước phục vụ công tác kiểm tra và kỷ luật của Đảng.

Công tác kiểm tra trước hết phải tập trung hướng vào việc đấu tranh đẩy lùi nguy cơ suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống…, phát hiện và xử lý nghiêm những phần tử cơ hội, thoái hóa, biến chất về chính trị và đạo đức. Qua kiểm tra, cần nghiên cứu phân tích nguồn gốc, nguyên nhân sai phạm, đưa ra những biện pháp cải thiện tình hình. Kiểm tra còn phải nghiên cứu những đảng bộ, đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ, gương mẫu về đạo đức, lối sống…để rút ra những bài học hay, những kinh nghiệm bổ ích góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Công tác kiểm tra không chỉ làm một chiều từ trên xuống, mà phải mở rộng dân chủ, phát huy kiểm tra từ dưới lên; động viên và tổ chức cho cấp dưới và nhân dân kiểm tra, giám sát công việc và tư cách của cán bộ lãnh đạo cấp trên. Trong thực tế hiện nay, không ít cán bộ, đảng viên vẫn coi kiểm tra là công việc của Đảng, nhất là công tác kiểm tra, thuộc “bí mật” của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Kiểm soát có hai cách: một cách là từ trên xuống. Tức là người lãnh đạo kiểm soát kết quả những công việc của cán bộ mình. Một cách nữa là từ dưới lên. Tức là quần chúng và cán bộ kiểm soát sự sai lầm của người lãnh đạo và bày tỏ cái cách sửa chữa sự sai lầm đó. Cách này là cách tốt nhất để kiểm soát các nhân viên”.

Lâu nay, chúng ta có suy nghĩ một chiều, kiểm tra là công việc của cấp trên, của ngành chuyên trách, của người lãnh đạo đối với cấp dưới. Vì vậy, cán bộ cấp trên ít chịu sự kiểm tra, giám sát của cấp dưới. Mọi đảng viên, cán bộ tự giác chịu sự quản lý của chi bộ, của cấp ủy, của tổ chức mà mình công tác, sinh hoạt. Cần khắc phục tình trạng một số đảng viên là cán bộ lãnh đạo gia trưởng, độc đoán, không tự giác chịu sự kiểm tra của chi bộ, của cấp ủy, đặt mình lên trên tổ chức, lên trên tập thể. Đồng thời, tăng cường tính chiến đấu của tổ chức, của tập thể trong quản lý đảng viên.

Thực hiện có nền nếp chế độ chính quyền cơ sở, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên định kỳ tự phê bình trước công chức, công nhân trong cơ quan, đơn vị hoặc trước nhân dân ở phường, xã, thôn, bản.

Kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan ủy ban kiểm tra các cấp bảo đảm tương xứng với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra có đạo đức cách mạng, phẩm chất trong sáng, bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ trí tuệ và năng lực nghiệp vụ cao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Cùng với việc thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo toàn diện các lĩnh vực của đời sống xã hội, cấp ủy Đảng các cấp cần thường xuyên quan tâm lãnh đạo công tác kiểm tra, tạo điều kiện thuận lợi để ủy ban kiểm tra nâng cao chất lượng hoạt động và tham mưu phục vụ kịp thời cấp ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Tăng cường công tác kiểm tra nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, sự đoàn kết thống nhất, thực hiện dân chủ trong Đảng, giữ vững kỷ cương, kỷ luật; phòng ngừa và đẩy lùi sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng, tránh các nguy cơ quan liêu, xa dân của đảng cầm quyền, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI.

Chiến Hữu - Văn Chính
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top