ClockThứ Năm, 27/08/2015 06:59

Kinh doanh hè phố

TTH - Trung tuần tháng tám vừa qua, giữa bao công việc bề bộn phải giải quyết, người Thái vẫn tiến hành một chiến dịch thu hút sự quan tâm của dư luận, đó quy hoạch lại vỉa hè thủ đô Bangkok. Không như nhiều nước trên thế giới, Thái Lan công nhận việc bán hàng rong trên vỉa hè. Hàng nghìn người lâu nay sống bám vào hè phố bằng nghề bán hàng rong, nếu bị dẹp bỏ lại phải quay về với đồng ruộng đã quá cằn cỗi, nguy cơ mất công ăn việc làm là một thực tế đáng cảnh báo. Thế nhưng phải quy hoạch lại, nghĩa là vỉa hè phải được sạch đẹp, quầy bán hàng rong phải theo những quy chuẩn nhất định về diện tích, độ cao, mẫu mã thiết kế và phải nằm ở vị trí nhất định, không gây quá nhiều ảnh hưởng đến việc đi lại của cộng đồng.

Từ chuyện vỉa hè của Bangkok, ngó lại Huế mình, thấy có nhiều điểm tương đồng. Rõ ràng, cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, việc kinh doanh trên vỉa hè đã có từ lâu và nó càng bùng phát dữ dội trong thời gian gần đây ở đất Cố đô. Lâu nay, cũng đã đến cả vạn lần Huế và các địa phương ở thành phố tỏ ra kiên quyết với chuyện dọn dẹp hàng quán, tịch thu quang gánh, phạt người bán hàng rong…để rồi đâu lại vào đấy. Đúng là “bắt cóc bỏ dĩa”, mà “cóc” dễ thường tính đến hàng trăm, hàng vạn chứ đâu phải chỉ một hai con. Xử lý không khéo sẽ dẫn tới bao hệ lụy. Cũng như Bangkok và còn hơn thế nữa, hè phố đã là nơi bao con người dựa vào để mưu sinh. Nhếch nhác thật, mất trật tự giao thông, làm thành phố mất mỹ quan thật, nhưng xóa xổ hàng rong vỉa hè ở Huế chẳng hạn thì xem ra đó là nhiệm vụ bất khả thi. Không chỉ cuộc sống của bao người bị ảnh hưởng mà chắc chắn ngành du lịch cũng bị tác động theo. Thì cứ nghĩ xem, phố tây của Huế (và cũng như nhiều nơi khác nữa) sống được và tạo được sự hấp dẫn nhất định ít nhiều cũng có công lao của cái vỉa hè kia!

Khi mà những chiến dịch được mở ra để tuyên chiến với việc kinh doanh trên hè phố không còn tỏ ra có tác dụng và cũng không nên lạm dụng, bởi lẽ sau mỗi đợt ra quân thì mọi thứ đâu lại vào đấy, thì việc quy hoạch lại vỉa hè xứ Huế theo cách người Thái đang làm cũng là một cách quản lý hay và là cách ứng xử có văn hóa. Quy hoạch, sắp xếp lại sao cho nó ngăn nắp, không còn lộn xộn và ngày càng sạch đẹp hẳn nhiên là chuyện phải làm. Nhiều người tâm sự, du lịch nước ngoài vẫn thích thú lang thang trên các hè phố để ngắm nhìn các quầy hàng xung quanh, được hòa nhập vào cái không khí rộn ràng, đông vui với cảnh tượng “ông đi qua, bà đi lại”. Đó là một thực tế, nó bao gồm cả mặt tích cực và dĩ nhiên trong đó cùng ẩn chứa nhiều điều phiền toái. Vậy thì kèm theo sự sắp xếp và quy hoạch, cần thiết phải tính đến sự hình thành cách ứng xử có văn hóa theo kiểu xây dựng hương ước văn hóa của các làng xã truyền thống. Ở đây không chỉ việc đưa ra những quy định hay nguyên tắc ứng xử mà kèm theo còn phải có các chế tài, hình thức xử phạt buộc những ai kinh doanh trên hè phố đều có nhiệm vụ phải chấp hành.  

Hè phố là nơi công cộng. Nó phải được giữ gìn sạch đẹp từ trên mặt đường cho tới lời ăn, tiếng nói và cả cách hành xử của mọi người có liên quan.

Đan Duy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top