Thứ Năm, 31/10/2013 10:58
(GMT+7)
Làng tôi có lăng mộ một đại quan
TTH - Ất Hợi 1815, con trưởng của Đức Tiền Quân Nguyễn Văn Thành, một trong những vị khai quốc công thần của triều Nguyễn, là Nguyễn Văn Thuyên cũng là phò mã của vua Gia Long thi đỗ hương cống, thường làm thơ, ngâm vịnh. Nghe nói có hai người ở Thanh Hóa là Nguyễn Văn Khuê và Nguyễn Đức Nhuận nổi tiếng hay chữ, ông Thuyên làm ngay một bài thơ tặng. Bài thơ có hai câu cuối “Thư hồi được đắc Sơn trung tể/ Tá ngã kinh - luân chuyển hóa ky”; tạm dịch nghĩa là “Sơn tể phen này dù gặp gỡ/ Giúp nhau xoay - đổi hội cơ này”. Chỉ có thế, vậy mà một số kẻ tị hiềm đã lập luận, suy đoán, thêu dệt thành ý phản loạn, truất ngôi vua. Việc kêu oan không được nhà vua Gia Long minh xét.
Đức Tiền quân Nguyễn Văn Thành bị bức tử, buộc phải uống thuốc độc vào năm Đinh Sửu (1817), hưởng thọ sáu mươi tuổi, còn con trai Nguyễn Văn Thuyên thì bị xử án chém. Câu chuyện ghi chép lại rõ ràng trong chính sử để lại bao nỗi tiếc thương cho người đời. Tôi là kẻ học sử cũng chỉ biết đến thế và đã không ngờ hơn 200 năm sau vẫn còn lại dấu tích là phần lăng mộ của vị đại quan kia đang ở ngay trong ngôi làng Dạ Lê Thượng của tôi nằm ở phía nam thành phố Huế. Cách nay chừng 8 năm, đó là ngôi mộ cổ nằm ở khu vực ấp năm (cũ), nơi trước là một căn cứ quân sự lớn của chế độ cũ. Năm 2005, nhằm giải tỏa đất đai lấy mặt bằng cho một dự án, làng tôi đã tổ chức cải táng ngài qua một địa điểm cách đó không xa, nằm ở nghĩa địa khu vực ấp tư. Khu lăng mộ mới được xây cất theo phong cách hiện đại có diện tích khoảng 50m2, bao gồm 4 trụ biểu, bia tiền và bia hậu. Trên bức bia tiền còn ghi rõ chức tước của Tiền Quân vào năm 1810 cho đến khi mất: “Việt Cố Khâm Sai Chưởng Trung Quân Bình Tây Đại Tướng Quân Thành Quận Công Chi Mộ”. Trên bức bia hậu ghi tóm tắt tiểu sử công trạng cùng tên tuổi gia quyến của Tiền Quân. Đặc biệt, còn khắc cảnh Xuân - Hạ - Thu - Đông và các hoa văn tượng trưng cho uy quyền và đức độ của ngài khi xưa.
Sinh ngày 13 tháng 11 âm lịch năm Mậu Dần (1758), tiên tổ của Nguyễn Văn Thành là người xứ Thuận Hóa ở xã Bác Vọng, huyện Quảng Điền nay. Tằng tổ Nguyễn Văn Toán dời vào Gia Định. Cuộc đời vinh hiển của Nguyễn Văn Thành gắn liền với vùng đất, như Phú Yên hay Nam Bộ trong tháng ngày theo Nguyễn Ánh dựng nghiệp cũng như sau này làm Tổng trấn Bắc Kỳ, rồi được triệu về kinh, lãnh ấn Trung Quân, được giao cử chức Tổng tài trong việc soạn bộ Hoàng Việt Luật Lệ (thường được gọi là luật Gia Long) hay công trình Quốc triều thực lục sau đó. Bóng dáng của làng quê Dạ Lê Thượng chỉ thấy thấp thoáng trong những tháng ngày ít ỏi Nguyễn Văn Thành làm việc ở kinh đô Huế. Vậy mà rồi, sau cái chết đầy u uất của vị đại quan, làng Dạ Lê Thượng lại vinh dự là nơi yên nghỉ ngàn thu của ông. Tôi đã nghĩ đến ở đây là ước nguyện của Tiền quân lúc sinh thời hay làng Dạ Lê Thượng như một bổng lộc được nhà vua cấp cho vị đại quan. Còn gặp tôi trong một buổi sáng tháng chín âm lịch tầm tã mưa rơi mới đây, ông Nguyễn Viết Truyền, 93 tuổi, là Trưởng làng Dạ Lê Thượng đã nhắc đến quan lớn Nguyễn Văn Thành như một ân nhân, sinh thời đã có nhiều giúp đỡ cho dân làng và họ đã ghi lòng tạc dạ công đức của ông. Câu chuyện hậu bàn, xin được tiếp tục rằng hằng năm vào ngày 10 tháng 5 và rằm tháng 8 âm lịch đều tổ chức kỵ, chạp đức Tiền quân. Tiền quân Nguyễn Văn Thành được xem là vị khai khẩn của làng Dạ Lê Thượng. Và trên bức bia tiền ở khu lăng mộ mới còn ghi rõ sự phụng lập của dân làng với vị trưởng làng đương nhiệm là ông Nguyễn Viết Truyền.
Hôm cùng tôi ghé thăm khu lăng mộ mới của Tiền quân Nguyễn Văn Thành, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã không khỏi ngỡ ngàng về sự tồn tại của lăng mộ của một vị đại quan là khai quốc triều Nguyễn trên đất làng Dạ Lê Thượng. Trong vị thế mới của một phố thị, Dạ Lê Thượng bây giờ đã là một phần quan trọng của phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy. Sự tồn tại của khu lăng mộ của một nhân vật lịch sử nổi tiếng như Nguyễn Văn Thành như một điểm đến của làng trong việc phát triển du lịch, thu hút sự quan tâm của khách thập phương nghiên cứu về triều Nguyễn và tham quan kinh đô Huế. Đã nhìn thấy ở đây tấm lòng thành của những con dân làng Dạ Lê Thượng, nhưng xem ra vẫn còn quá ít những người và các cơ quan có chức năng thấu hiểu vị thế và tầm vóc của một bậc đại quan hiền tài như Nguyễn Văn Thành. Cho dù Tiền quân đã có được một khu lăng mộ mới khang trang nhưng tôi vẫn tiếc cho quyết định di dời và làm mới có phần vội vã. Nó đã làm phôi pha ít nhiều chất thiêng và những giá trị lịch sử, văn hóa của khu lăng mộ vị đại quan Nguyễn Văn Thành như một cơ duyên tồn tại ở làng Dạ Lê Thượng của tôi.
Đan Duy