Xuất phát ban đầu của lợi ích nhóm là lợi ích cục bộ, khi lợi ích tích tụ không được kiềm chế, kiểm soát sẽ là mầm mống phát triển thành lợi ích nhóm tiêu cực. Ai cũng hiểu rằng, phàm là con người, lợi ích cho bản thân là nhu cầu tự thân, khách quan và chính đáng.
Nhưng nếu có xung đột với lợi ích của người khác, của số đông thì đó là lợi ích nhóm tiêu cực.
Nhóm lợi ích tiêu cực thường nhân danh cái cao đẹp để đạt được cái lợi vật chất thấp hèn. Nhóm này thường nhân danh lợi ích tập thể để giành giật vật chất, quyền lực cho bản thân.
Lợi ích nhóm tiêu cực biểu hiện trong tất cả các lĩnh vực hoạt động xã hội. Ở đất nước ta, trong công cuộc đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế, nhóm lợi ích tiêu cực ngày càng bộc lộ tính nguy hiểm cho sự phát triển của quốc gia, dân tộc. Thời gian qua, như nhiều người đã biết với những thông tin truyền đi trên hệ thống thông tin đại chúng, có những tập đoàn kinh tế mạnh, những ngân hàng có tiếng tăm, những cấu kết nhóm trong đầu tư kinh doanh bất động sản, chia nhau đất đai, tài nguyên rừng đã bị đánh gục bởi trong lòng nó chứa đựng nhóm lợi ích tiêu cực. Sự móc nối của các nhóm lợi ích tiêu cực đã gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế, cho sự an nguy của đất nước.
Thấy được vấn đề này, Đảng và Nhà nước ta đã kiên quyết chỉ đạo tập trung xử lý, vạch trần những cán bộ thoái hóa cấu kết với nhau nhằm lũng đoạn, thâu tóm lợi ích vật chất, giàu lên khó hiểu. Các cơ quan thực thi luật pháp đã xử lý nghiêm những cán bộ biến chất trong các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp, các đơn vị, cơ quan vì lợi ích cục bộ gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Hiện nay, cả hệ thống chính trị đang nghiêm túc thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) của Đảng nhằm mục đích làm trong sạch Đảng; tấn công quyết liệt vào tệ tham nhũng, lợi ích nhóm tiêu cực trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - chính trị - xã hội. Khi sa vào lợi ích nhóm tiêu cực, một bộ phận cán bộ đã tha hóa, biến chất làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước ta. Chính bộ phận này làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Tha hóa đi theo lợi ích nhóm tiêu cực, một số cán bộ có chức, có quyền trở nên độc đoán, chuyên quyền, gia trưởng đi đến thoái hóa phẩm chất, đạo đức của người cán bộ cách mạng, gây bức xúc trong nhân dân.
Ngăn ngừa, lên án sự tha hóa quyền lực của một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý là yêu cầu cấp bách hiện nay, làm cho họ không có cơ hội câu kết hình thành nhóm lợi ích tiêu cực. Muốn vậy, cần nâng cao trình độ giác ngộ xã hội chủ nghĩa cho cán bộ và nhân dân. Tăng cường giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, tiếp tục thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, nhân dân. Bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân, tạo điều kiện cho nhân dân tố giác những cán bộ thoái hóa, biến chất, sa vào lợi ích nhóm tiêu cực.
Điều có tính quan trọng là mở rộng tự phê bình và phê bình cả trong và ngoài Đảng để sức chiến đấu lan tỏa, ảnh hưởng sâu rộng trong cán bộ, quần chúng nhân dân.
Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đang phát huy tính tích cực, sáng tạo của cá nhân, đơn vị trong tham gia xây dựng và bảo vệ đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Tuy vậy, mặt trái của nền kinh tế thị trường đang là mảnh đất màu mỡ cho những cán bộ có lối sống thực dụng, chạy theo lợi ích vật chất và sự cám dỗ của đồng tiền, sa vào chủ nghĩa cá nhân. Sa vào chủ nghĩa cá nhân, một số cán bộ biến chất đã tôn thờ đồng tiền, quên đi tình đồng chí, coi lợi ích cá nhân trọng hơn lợi ích tập thể.
Hơn lúc nào hết, mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên học tập, rèn luyện và tự răn mình trước sự cám dỗ của lợi ích vật chất, danh vọng tiền tài. Nhớ về Bác Hồ, hứa với Bác trong từng công việc cụ thể, dù ở bất cứ cương vị, hoàn cảnh nào phải luôn là người cán bộ trung thành, tận tụy với nhân dân.
Lợi ích nhóm tiêu cực và sự tha hóa, biến chất của người cán bộ là ranh giới rất mong manh, mỗi cán bộ, đảng viên hãy luôn cảnh giác và cảnh báo cho cá nhân mình.