ClockThứ Tư, 21/08/2013 10:06

Mở rộng tính công khai

TTH - Mở rộng tính công khai là điều quan trọng để mở rộng dân chủ trong Đảng cũng như trong đời sống xã hội, là một nội dung của đổi mới phong cách lãnh đạo.

Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) đã thể hiện điều đó bằng cách công khai cho cán bộ, đảng viên và nhân dân biết: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc…” Hội nghị cũng đã công khai nguyên nhân của tình hình, mục tiêu, phương châm và các nhóm giải pháp chủ yếu để cán bộ, đảng viên, các tổ chức Đảng và nhân dân tập trung triển khai nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết, đến nay, đã bước đầu tạo được chuyển biến mới trong công tác xây dựng Đảng làm cho Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Mở rộng tính công khai là thực hiện sự thông tin nhiều chiều, thông tin một cách trung thực, đầy đủ, tất nhiên không lơ là cảnh giác, nghiêm túc giữ gìn bí mật quốc gia, nhưng tuyệt đối không vin vào cớ đó để che giấu sai lầm, khuyết điểm, lẩn tránh việc nói thật, nói thẳng những điều mà cán bộ, đảng viên và nhân dân cần biết để có thái độ xử lý đúng đắn. Có công khai thì nhân dân mới biết, thực hiện khẩu hiệu “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Thật là sai lầm, nếu cho rằng, nói rõ những sai lầm, khuyết điểm, những khó khăn… sẽ gây hoang mang trong nhân dân. Sự thật, tình hình càng khó khăn, càng phải nói rõ cho cán bộ, đảng viên và nhân dân biết để quần chúng cùng với lãnh đạo tìm ra những biện pháp giải quyết. “Dễ vạn lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Đó là phương pháp lãnh đạo quán triệt quan điểm “lấy dân làm gốc”, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng.

Kể từ Đại hội VI của Đảng, con đường của chính sách công khai đã được khai phá. Những tệ nạn xấu xa, những khuyết điểm, sai lầm của cán bộ, đảng viên, những thế lực cản trở con đường tiến lên của đất nước… đã được đưa ra ánh sáng công khai. Quan điểm “sợ địch lợi dụng”, “sợ ảnh hưởng đến uy tín của Đảng”… đã bị bác bỏ.

Tuy nhiên, cần nói thẳng ra rằng việc thực hiện công khai trong nhân dân vẫn còn bị hạn chế với mức độ nhất định. Không ít chuyện hay, chuyện dở… xảy ra trong địa phương, nhưng nhân dân chỉ được biết qua báo chí trung ương hoặc nước ngoài, còn cơ quan thông tin đại chúng của địa phương không hề đề cập.

Thông thường, người ta đưa ra lý do “bí mật”, nhưng không phải trường hợp có lý do bí mật quốc gia thực sự, hoặc phổ biến ra là “không có lợi” để ngăn trở việc thông tin công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng cho nhân dân biết với động cơ sợ “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, từ đó có thể bị trừng phạt. Có nhiều trường hợp, do sự đánh giá thấp trình độ của quần chúng, do tác phong quan liêu, gia trưởng, họ bưng bít thông tin.

Trong lúc ấy, một số cán bộ, đảng viên và quần chúng đòi hỏi công khai một cách tuyệt đối, chuyện gì cũng công khai hết. Ngược lại, một số cán bộ lãnh đạo, quản lý cái gì cũng cho là lộ bí mật quốc gia, không lợi cho an ninh, vin vào cớ này để hạn chế tính công khai. Cả hai khuynh hướng này đều sai, cần được khắc phục. Đối với khuynh hướng thứ nhất, việc khắc phục không khó khăn lắm, chỉ cẩn giải quyết về mặt nhận thức là được. Nhưng đối với khuynh hướng thứ hai thì việc khắc phục thật không đơn giản chút nào.

Để khắc phục tình trạng hạn chế công khai, một mặt, cần tạo điều kiện cổ vũ, khuyến khích, thúc đẩy những nhân tố mới trong việc thực hiện công khai; mặt khác, cần đấu tranh, thẳng thắn chỉ ra những trường hợp hạn chế công khai do nhận thức sai và có thể do động cơ tư tưởng thiếu đúng đắn, chứ không phải vì bí mật quốc gia, vì cân nhắc lợi hại chung. Các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các cơ quan chức năng khác cần khơi gợi, chỉ ra những vấn đề có thể công khai, “bật đèn xanh”, khuyến khích các cơ quan thông tin đại chúng chủ động, kịp thời thông tin mọi vấn đề nhân dân cần biết và “bật đèn đỏ” thật đúng chỗ đối với những vấn đề thật sự cần giữ bí mật. Cần quy định những vấn đề thuộc bí mật quốc gia để khỏi trở ngại cho việc thực hiện công khai và dân chủ đối với nhân dân.

Cần khẳng định rõ ràng, ngoại trừ những vấn đề thuộc an ninh quốc gia phải tuyệt đối giữ bí mật, không một cơ quan nào được vin vào bất cứ lý do gì để hạn chế việc thông tin công khai cho nhân dân. Vi phạm điều này là vi phạm nguyên tắc tôn trọng quyền dân chủ, quyền được biết của nhân dân.

Ở mỗi ngành, mỗi cấp, mỗi cơ quan, mỗi địa phương cần thực hiện công khai hóa chương trình, kế hoạch, chế độ, chính sách, việc sử dụng, phân phối phúc lợi, việc khen thưởng, nâng lương, nâng bậc, sắp xếp, đề bạt cũng như thi hành kỷ luật v.v… Thực hiện công khai sẽ giúp cho việc bảo đảm công bằng xã hội, hạn chế và loại trừ các hiện tượng tiêu cực. Kiểu giấu giếm, úp mở chỉ làm cho quần chúng nghi ngờ, bàn tán xì xào, gây mất đoàn kết nội bộ.

Tự phê bình và phê bình công khai là phong cách Mác-xít Lê-nin-nít của Đảng cách mạng chân chính. “Đóng cửa bảo nhau” với cách làm xuê xoa, che giấu khuyết điểm, không đem lại hiệu quả. Có khuyết điểm thì công khai tự phê bình, quần chúng bao giờ cũng đánh giá công bằng và sẵn sàng thông cảm, tha thứ, và cũng chỉ như vậy mới cố gắng sửa chữa.

Thực hiện công khai có nhiều hình thức, trong đó chủ yếu là trên các cơ quan thông tin đại chúng (báo chí, phát thanh, truyền hình) và nhiều hình thức khác như: hội họp, hội thảo, tài liệu nghiên cứu…

Tăng cường thông tin từ trên xuống và từ dưới lên, mở rộng tính công khai, phát huy mạnh mẽ nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Chiến Hữu - Văn Chính
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top