ClockThứ Năm, 03/10/2013 05:54

Mùa mưa lên “rậy”

TTH - Tầm này, khi đã trải qua những đợt mưa dài ngày theo kiểu “mưa dầm thấm đất” và ngoài kia đồng lúa gặt xong chìm ngập, nhấp nhô trong nước chờ lụt về, chờ mãi cho đến tận tháng mười một, tháng chạp mới vào vụ mới thì cũng là lúc người dân các thôn làng ven lộ, ven đô Huế vác cuốc đi "rậy". Rậy cũng có nghĩa là rẫy, một cách phát âm nặng và thanh ngã thường đọc thành thanh nặng của người dân miền Trung quê mình. Dáng đất nằm nghiêng của vùng gò đồi, chuyển tiếp từ rừng núi qua đồng bằng đã tạo cho các làng quê Dạ Lê Thượng hay Thanh Thủy Thượng (Hương Thủy) dưới này cái thế lạ mà đẹp, đa dạng mà hữu dụng của “trước đồng sau rậy” để cho người dân quanh năm đều có công ăn việc làm, thoát khỏi cảnh nghèo đói và cái sự “nhàn cư vi bất thiện” của những ngày mưa dầm rét mướt.

Ví như ở làng Dạ Lê Thượng quê tôi, chỉ cách có con lộ 1A, mà ở phía bên ni đường là đất ruộng sình lầy khi mùa mưa đến, hợp với cây lúa ngọn rau, còn phía bên tê là loại đất sỏi hợp với cây sắn, cây chè. Vậy nên mới có chuyện qua đường là tới rậy. Tương truyền, làng tôi cùng với Dạ Lê Gót hay Chánh (Thủy Vân, Hương Thủy) và làng Lang Xá (Thủy Thanh) vốn cùng chung một làng. Khi mới từ đất Bắc vào đây dựng nghiệp, đất đai rộng, còn hoang vu rậm rạp, nhóm cư dân ít ỏi ban đầu chỉ khai thác phần ruộng màu mỡ ở đồng bằng ven sông, suối từ đường Thiên Lý trở ra vùng sông Lợi Nông sau này về Lang Xá và Dạ Lê Chánh. Các thế kỷ tiếp theo, nhất là nửa sau thế kỷ XVI và XVII, làn sóng dân di cư vào khai hoang lập làng trên đất Thuận Hoá ngày càng nhiều. Vùng gò đồi sát với đồng bằng của Dạ Lê Thượng nay là nguồn tiềm năng dự trữ lớn, đủ điều kiện để mở rộng khu cư trú và cả đất đai sản xuất nên ngày càng phát triển. Để rồi năm 1691, hai làng Dạ Lê tách khỏi Lang Xá. Sang năm 1811, Dạ Lê Thượng tách khỏi Dạ Lê Chánh. 

Thượng là phía trên cao để phân biệt với phía dưới thấp là hạ (cũng là gót, là chánh). Thượng đồng nghĩa với khung cảnh “trước đồng sau rậy” khác với hạ chỉ là một màu xanh của đồng lúa mênh mông, của con sông, con hói và lũy tre làng bao quanh. Và, chính rậy đã bổ sung, làm phong phú thêm hệ cây trồng ở Dạ Lê Thượng hay Thanh Thủy Thượng bên cạnh. Không chỉ có lúa hoặc rau, ở đây còn có nhiều thứ cây trồng hoa màu như sắn, như môn…; các loại cây lâu năm, như chè, như mít, như cam chanh…; hay các thứ rau cải gọi người cứ gọi chung cho tiện là “đồ vặt”, nguồn bổ sung cho thu nhập hằng ngày để trang trải bao thứ chi tiêu, từ cuốn vở cho con đến bao việc tang, chay, hiếu hỉ vốn quá nhiều trong cuộc sống đằng sau lũy tre làng. Như một điệp khúc của vùng đất “trước đồng sau rậy” vào ngày mưa là buổi sáng vợ chồng cùng lên rậy để rồi mỗi thứ mỗi tý cho kịp buổi chiều ra chợ bán.

Trong ký ức của bao kẻ học trò từ làng mà ra đi như tôi, lên rậy cùng mạ là sự nhọc nhằn nhưng cũng là niềm vui dân dã. Buổi sáng đi học nghe lời dặn vào rậy gánh sắn cho mạ, vậy là tan học về chỉ kịp vội và chén cơm nguội rồi tất tả đi ngay. Buổi chiều ngủ dậy đã thấy gánh phân, gánh rong đặt sẵn là biết ngay là sắp phải đi rậy với mạ rồi đây, cuốc vồn đất, đặt hom sắn, làm cỏ luống rau hay đánh luống vại ném, vại cải…Vất vả là thế nhưng đi xa lâu ngày lại da diết nhớ trái sim, trái móc, tiếng chim cu “cúc cù” hay quanh cảnh núi đồi đồng ruộng bao quanh đẹp như tranh vẽ vào buổi chiều tà của mùa thu khi ta lên rậy.

Đình Nam
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top