Với tư cách cá nhân, mới đây, nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh cho công bố 3 bài bản ca Huế được ông sưu tầm trong quá trình nghiên cứu, điền dã. Trước đó, bản gốc cuốn sách “Quốc triều khoa bảng lục” bằng chất liệu giấy dó, nội dung khắc ghi các vị đỗ tiến sĩ, phó bảng dưới triều Nguyễn, từ đời Ming Mạng đến Khải Định cũng được ông Hồ Vĩnh tìm thấy trong qúa trình khảo sát thực địa Cố đô Huế.
Những thông tin trên một lần nữa cho thấy, ở Huế vẫn còn lẩn khuất nhiều tài liệu gốc có giá trị liên quan đến mọi lĩnh vực của đời sống Huế xưa. Chúng ẩn dật ở đâu đó, trong những hòm sắc bộ ở các họ tộc, đình chùa; trên những căn gác ẩm thấp dưới mái những ngôi nhà cổ trong các dòng họ trâm anh. …Qua thời gian và nhiều biến động, có khi chúng đã bị lãng quên.
Trong cuộc trò chuyện với nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh, ông cho hay, bằng con đường tự tìm kiếm và bằng mối nhân duyên, ông đã sưu tầm được khá nhiều tư liệu gốc liên quan đến lịch sử, văn hóa Huế và nhiều vùng đất khác. Khi đã ở cái tuổi bên kia dốc cuộc đời, ông đang cố gắng làm một nghĩa cử. Đó là ra sức công bố dần các tài liệu đã sưu tầm và trao, tặng chúng tới những địa chỉ nó cần phải đến. Rồi giúp sinh viên tư liệu hoàn thành các luận án học vấn với mong muốn tư liệu được lan tỏa.
Làm việc với lãnh đạo Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch cách đây vài năm, được biết, trong quy hoạch, Chính phủ đã xác định xây dựng Huế là một trong những trung tâm lưu trữ Quốc gia, ngoài Hà Nội, T.P Hồ Chí Minh, Đà Lạt… Chủ trương đã có. Nhưng bao giờ Huế sẽ có một trung tâm lưu trữ đúng nghĩa, kèm với đó là lộ trình, kế hoạch, chính sách sưu tầm, thu thập, quy tụ tư liệu...?
Những người tâm huyết cả đời mình cho di sản tư liệu thì vô cùng lo khi nguồn tư liệu quý ở Huế hiện đang tồn tại một cách rải rác, manh mún trong điều kiện bảo quản sơ sài. Ngay cả một phần di sản mộc bản Phật giáo qúy giá đã được phát hiện tại nhà thờ Đào Lý Phương Viên ở khu vực Thành nội Huế hiện vẫn đang được cất đặt trên gác xép, ở nhà kho, mặc sự vô tình của nắng mưa, mối mọt.
Nóng ruột thật, bởi nếu không sớm có chính sách, dự án tổng thể từ phía Nhà nước để sưu tầm, quy tụ, lưu trữ thì e rằng, không ít tư liệu quý của Huế sẽ ra đi vĩnh viễn vì nhiều lẽ: Hư hỏng, thất thoát. Đặc biệt là những cuộc mua bán, trao đổi khi trong số đó, bằng giá trị và tuổỉ tác, không ít tư liệu đã đạt đến giá trị cổ vật.