ClockThứ Tư, 08/05/2013 17:58

Nêu gương đạo đức

TTH - Nhìn lại cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi địa vị càng cao, Bác luôn tự hoàn thiện để có được tấm gương đạo đức trọn vẹn. Tấm gương đạo đức của Bác trước hết là tấm gương trong mọi công việc. Tấm gương đạo đức của Bác đạt đến sự nhất quán giữa việc công và việc tư, thống nhất giữa nói với làm; từ việc nhỏ cho đến việc lớn. Nêu gương đạo đức, mỗi cán bộ, đảng viên cần chú ý trên ba mối quan hệ: Đối với bản thân; đối với đồng chí, đồng đội, nhân dân; đối với công việc.

Với bản thân phải trên tinh thần cầu tiến bộ, không tự cao, tự đại, luôn rèn luyện, học tập để nâng cao nhận thức, hoàn thành xuất sắc công việc được giao. Nêu gương đạo đức đối với đồng chí, nhân dân, bản thân mình phải thể hiện thái độ chân thành, thật thà, đoàn kết, không lọc lừa… Với công việc phải luôn nhớ và làm trên tinh thần vì lợi ích chung lên trên, lên trước lợi ích riêng tư. Làm việc phải tận tâm, tận ý, tận lực, không ngại gian khó, việc gì có lợi ích chung thì quyết tâm làm, việc gì không có lợi cho dân cho nước thì quyết tâm tránh.

Trong tình hình hiện nay, khi Đảng ta đang tiến hành thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 BCHTW Đảng (khóa XI) với phương châm nhìn thẳng vào sự thật; Đảng ta một nữa yêu cầu phải phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu trong công tác, học tập, lối sống của cán bộ, đảng viên ở nơi công tác, nơi cư trú và trong sinh hoạt Đảng.

Hiện nay, đất nước ta đang đứng trước những thách thức khi bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế. Tác động tiêu cực đan xen trong cuộc sống, công tác của cán bộ, đảng viên. Thực tế cho thấy nhiều cán bộ, đảng viên không tự rèn luyện đạo đức cách mạng đã sa vào con đường thoái hóa biến chất về lối sống, đạo đức. Chính lối sống xa hoa, buông thả và sự tha hóa về đạo đức của một số không ít cán bộ, đảng viên đã làm mất niềm tin trong nhân dân. Một khi nhân dân mất niềm tin thì niềm tin chính trị ở trong dân cũng mất dần. Điều đó tác hại rất lớn đến uy tín lãnh đạo của Đảng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại một tấm gương đạo đức hết sức mẫu mực và cao đẹp. Người không chỉ là một thiên tài mà là một gương sáng về sự coi trọng tinh thần lao động, sống cuộc sống đời tư thanh bạch, trong sáng, chống xa hoa, lãng phí.

Từ tấm gương đạo đức của Bác, tự liên hệ vào tình hình hiện nay, cần lên án và vạch rõ những cán bộ có lối sống thực dụng, tham lam, chạy theo tiền tài vật chất để giàu lên trông thấy. Sự giàu lên trông thấy của một bộ phận cán bộ không phải bằng công sức lao động, tài năng làm giàu của mình mà là sự chiếm đoạt của công, lợi dụng chức quyền vun vén tiền bạc, vật chất qua nhiều phương cách “luồn lách” tài nguyên, đất đai của nhân dân. Nhân dân biết rất rõ “con đường đi” của bộ phận cán bộ này. Thử hỏi khi người dân đã tường tận sự việc thì làm sao tạo dựng được niềm tin trong nhân dân? Ông A sở hữu bao nhiêu lô đất, ông B mấy chục ha rừng, ông C có bao nhiêu căn hộ? nhân dân đọc vanh vách. Đó là biểu hiện của sự tha hóa về đạo đức, lối sống chạy theo vật chất, đánh mất tính nêu gương về đạo đức mà Bác Hồ và Đảng ta luôn cảnh báo đối với cán bộ, đảng viên…

Khi luận bàn tính nêu gương về đạo đức của người cán bộ, nhiều người đồng tình với tôi rằng thật khó hiểu khi một số cán bộ có chức có quyền quá tham lam. Họ nói nhiều đến tấm gương đạo đức nhưng chính bản thân họ thì làm ngược lại. Cho nên, cán bộ, nhân dân mất niềm tin vào họ là điều hiển nhiên. Mất niềm tin và không tôn trọng họ là chuyện bình thường, tác hại sâu xa hơn là chính bộ phận cán bộ này làm tổn hại đến uy tín của Đảng và Nhà nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khởi xướng và kiên trì cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân. Bác thường chỉ rõ, muốn xây dựng thắng lợi CNXH, trước hết phải chiến thắng kẻ thù bên trong của mỗi chúng ta là chủ nghĩa cá nhân. Chính chủ nghĩa cá nhân đẻ ra trăm thứ bệnh và lắm thói hư tật xấu trong cán bộ, đảng viên. Cán bộ mắc bệnh chủ nghĩa cá nhân lúc nào cũng đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của Đảng. Từ đó, họ tự tư tự lợi.

Bác Hồ đã tiên lượng, thấy trước tính nguy hiểm của chủ nghĩa cá nhân khi đất nước ta bước vào thời kỳ hòa bình. Bác thường nhắc nhở, việc đấu tranh với kẻ địch ở tiền tuyến còn dễ, nhưng việc đấu tranh với kẻ địch trong con người, trong nội bộ, trong tinh thần là một khó khăn, đau xót.

Ai cũng hiểu, trong gia đình, cha mẹ là tấm gương cho các con, anh chị là tấm gương cho các em; trong cơ quan, đơn vị, cán bộ lãnh đạo là tấm gương cho cán bộ cấp dưới; trong nhà trường người thầy là tấm gương cho học sinh; trong bộ máy nhà nước cán bộ, đảng viên là tấm gương cho nhân dân nhìn vào. Do vậy người cán bộ, đảng viên chẳng những có trách nhiệm tự tu dưỡng để trở thành con người có đời tư trong sáng, công tâm trong công việc mà còn phải là tấm gương đạo đức để nhân dân nhìn vào đó học tập, làm theo.

Cán bộ, đảng viên luôn tu dưỡng để thật sự là tấm gương đạo đức không những cho dân tin mà làm cho Đảng mạnh, tạo sự đồng thuận giữa ý Đảng – lòng Dân. Trong tình hình hiện nay, việc nêu gương đạo đức là việc làm cấp bách và thường xuyên nhằm thực hiện tốt Nghị quyết TW 4. Chúng ta đã triển khai công tác tự phê bình và phê bình. Công việc tiếp theo là thực hiện các giải pháp sửa chữa tồn tại, khuyết điểm của tập thể và cá nhân. Phải đề ra lộ trình cụ thể, cách làm cụ thể, đối tượng sửa sai cụ thể nhằm thực hiện đầy đủ tinh thần mà Nghị quyết Trung ương 4 đề ra. Với cá nhân cán bộ, đảng viên, nếu tự phê bình có vi phạm về đạo đức, lối sống thì kiên quyết sửa chữa để lấy lại niềm tin trong nhân dân; tiếp tục rèn luyện để nêu gương sáng về đạo đức của người cán bộ cách mạng.

Chiến Hữu - Văn Thành
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top