ClockThứ Năm, 22/11/2012 16:09

Nghề nào cũng…chơi

TTH - Kinh doanh đa ngành, đa nghề đang trở thành “mốt” hiện nay. Nó nhiều và mập mờ đến mức trong nhiều trường hợp người ta không tài nào phân biệt rõ ngành nghề kinh doanh chính của một doanh nghiệp là gì. Chẳng hạn, liên quan đến với việc câu kết với một số cán bộ có chức quyền để “ăn” gỗ rừng ở Thừa Thiên Huế mà báo chí phản ánh gần đây là doanh nghiệp tư nhân có tên Xí nghiệp Tấn Lộc. Đọc biển hiệu giới thiệu của doanh nghiệp này, không ít người giật mình khi thấy nêu lên một loạt ngành nghề kinh doanh rất kêu. Nào là trồng rừng, kinh doanh lâm sản, khai thác chế biến gỗ, khoáng sản. Nào là xây dựng dân dụng, giao thông thuỷ lợi. Nào là bất động sản bên cạnh kinh doanh dịch vụ vận tải. Nghĩa là, các ngành nghề thuộc dạng “hot” hiện nay, Tấn Lộc đều…chơi tất.

Hãy khoan bàn đến chuyện ăn gian làm dối, cố tình vi phạm pháp luật, thì kiểu “kinh doanh tổng hợp” như Tấn Lộc cũng khó mà chu toàn và đạt hiệu quả tốt khi mà mỗi ngành nghề kinh doanh đều đòi hỏi về chuyên môn và năng lực thực tế. Còn nhớ, trong một trả lời phỏng vấn báo chí mới đây, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết 2 năm qua, dự báo có gần 100.000 doanh nghiệp rời thị trường, tương đương với một nửa số doanh nghiệp đóng cửa trong vòng 20 năm qua. Theo ông Vũ Tiến Lộc, ngoài khó khăn chung của nền kinh tế, có một vấn đề đáng suy nghĩ là có rất nhiều trong số đó “chết” do làm ngoài ngành nhiều nhưng thị trường lại bó hẹp. Còn theo Tiến sĩ Alan Phan, Chủ tịch Quỹ đầu tư Viasa thì việc đầu tư đa ngành thể hiện tính thiếu chuyên nghiệp của nhiều công ty, đồng thời, đặt doanh nghiệp vào thế nguy hiểm khi lĩnh vực họ bỏ vốn không phải chuyên môn chính, trình độ đào tạo và đội ngũ nhân sự cũng chưa đủ mạnh để đáp ứng yêu cầu. Đầu tư đa ngành kiểu này giống như “nhét thằng bệnh vào ở cùng thằng khỏe, để cho thằng khỏe cũng lây bệnh theo luôn”.

Cũng phải thấy rằng, trong nhiều trường hợp, kinh doanh đa ngành nghề cho thấy sự hợp lý như khi một doanh nghiệp vừa sản xuất lại vừa muốn nắm luôn cả nguyên liệu, vật liệu đầu vào, rồi chuyện tiêu thụ và thị trường cho chắc ăn. Tuy nhiên, nhìn một cách chung nhất thì kinh doanh đa ngành, đa nghề là không dễ và gặp nguy hiểm là điều có thể báo trước. Thế mà, không ít doanh nghiệp vẫn cứ vô tư là vì sao? Người ta đã nói đến thông tin về thị trường kém, không cần biết nhiều lắm về đối tượng khách hàng cũng như lòng tham, sỉ diện và tư duy làm ăn chụp giật, manh mún của một số chủ doanh nghiệp. Thực tế còn cho thấy, sự ra đời và tồn tại của nhiều doanh nghiệp đa ngành nghề còn có lý do dựa vào các mối quan hệ hay được sự “chống lưng” của một số quan chức theo cách gọi của báo chí hiện nay. Vậy thì phải chăng, chính nhờ chỗ dựa là một quan chức ngành nông nghiệp Thừa Thiên Huế mà ông chủ Xí nghiệp Tấn Lộc kinh doanh lâm sản, trồng rừng, khai thác chế biến gỗ để rồi vi phạm pháp luật?

Nghề nào cũng chơi kiểu đó quả là liều và thật đáng sợ!

Đình Nam 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top