Hòa Mỹ nên duyên, được chọn làm chiến khu tại hội nghị Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế họp ở Nam Dương (Quảng Điền) vào ngày 25/3/1947, dưới sự chủ trì của Bí thư Tỉnh ủy bấy giờ là đồng chí Nguyễn Chí Thanh. Nay thuộc xã Phong Mỹ (Phong Điền), cách Huế chừng 35 cây số về phía tây nam, Hòa Mỹ là một vùng núi rừng, khe suối rộng lớn, dựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ. Theo cụ Hoàng Anh, Phó Thủ tướng Chính phủ, một trong những lãnh đạo chủ chốt của Thừa Thiên Huế thời kháng chiến trong hồi ký “Quê hương và cách mạng”, thì “xây dựng vùng Hòa Mỹ thành một căn cứ kháng chiến của tỉnh nghĩa là xây dựng thành nơi đứng chân cho các đơn vị bộ đội, tiến lên có thể đánh địch, rút về có thể bảo vệ được lực lượng”.
Cho đến tháng 5/1948, Hòa Mỹ thực sự là một chiến khu tiêu biểu trong kháng chiến. Chiến khu Hòa Mỹ phân ra từ tiểu chiến khu 1 (CK1) đến tiểu chiến khu 7 (CK7), mỗi tiểu chiến khu có một đơn vị đóng, như tiểu chiến khu 1 là đơn vị vũ trang, tương tự các tiểu chiến khu khác là Tỉnh ủy, Ủy ban kháng chiến, bệnh viện, công an... Mỗi tiểu chiến khu cách nhau khoảng 1 giờ 30 phút đi bộ, song được liên kết chặt chẽ qua công tác giao liên. Sau khi chiến khu chuyển vào Dương Hòa, Hòa Mỹ vẫn tiếp tục là căn cứ của lực lượng vũ trang Trị Thiên, nằm trong hệ thống liên hoàn của Phân khu Bình Trị Thiên (Hòa Mỹ, Câu Nhi, Ba Lòng) ra Tuyên Hóa, Quảng Bình và Khu IV.
Tượng đài chiến khu Hòa Mỹ nằm ngay ở ngã ba thôn Lưu Hiền Hòa, trung tâm xã Phong Mỹ. Rồi vẫn còn đó những di tích, như Nhà Đại chúng, nơi sinh hoạt văn hóa của người dân trong kháng chiến và cũng là nơi hội họp của bộ đội. Và nữa, đình làng Lưu Hiền Hòa, nơi Bộ Chỉ huy Trung đoàn 101 họp bàn kế hoạch đánh đồn Đất Đỏ của Pháp vào ngày 29-3-1947. Chiến công vang dội đánh chiếm tiền đồn án ngự đường vào chiến khu Hòa Mỹ diệt gọn một trung đội lính bộ binh sơn cước tinh nhuệ của Pháp nay đã được dựng bia lưu giữ. Trên chiến khu xưa, còn có một di tích đặc biệt gắn liền với chiến dịch Hồ Chí Minh đã được xếp hạng di tích cấp Quốc gia từ năm 1991, đó là đường Hồ Chí Minh đoạn cuối đường 71. Đó là những gì còn lại ở Hòa Mỹ dấu tích của một quá khứ xưa hào hùng.
Chính những ngày khó khăn, gian khổ mà anh dũng trên chiến khu Hòa Mỹ được Trung tướng Trần Quý Hai - nguyên Tư lệnh mặt trận Trị Thiên - Huế tái hiện trong hồi ký xúc động và chân thật “Những ngày khói lửa”. Còn say đắm bao thế hệ lòng người là bộ tiểu thuyết nổi tiếng “Tuổi thơ dữ dội” của nhà văn xứ Huế Phùng Quán. Tập sách đã được dựng thành phim này kể về cuộc đời và hoạt động của các chiến sĩ nhỏ ở độ tuổi thiếu nhi trong đội “Thiếu niên trinh sát” của Trung đoàn 101, tiền thân của Trung đoàn Trần Cao Vân trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp ở Thừa Thiên Huế. Chiến khu Hòa Mỹ là nơi có bộ phận tiền phương của Trung đoàn Trần Cao Vân. Thực tiễn về tháng ngày chiến đấu gian lao mà hào hùng, anh dũng là chất liệu văn học tuyệt vời cho cuốn sách của Phùng Quán và “Tuổi thơ dữ dội” cũng giúp người đời biết đến nhiều hơn về một Hòa Mỹ, chiến khu xưa.
Lên Hòa Mỹ, tôi lại nhớ đến những hồi ký của Hoàng Anh và của Trần Quý Hai, nhớ đến “Tuổi thơ dữ dội” với những nhân vật vừa thật vừa hư của Phùng Quán, như Mừng, Lượm, Quỳnh… Hiếm có vùng đất chiến khu nào khiến người ta nhớ nhiều và da diết đến vậy như Hòa Mỹ. Nó như một biểu tượng của Huế, của con người Thừa Thiên năm xưa, không chịu lùi bước trước khó khăn và đã biết một thời“Thắng gian lao cùng nhau lập chiến khu”…