ClockThứ Tư, 17/10/2012 11:15

Khó ở “đầu ra”

TTH - Liên tục được mùa nhưng nông dân Thừa Thiên Huế dạo này không trọn nụ cười bởi giá lúa quá “hẻo” trong khi chi phí các loại ngày càng tăng cao. Nào giống, phân bón, thuốc trừ sâu, công cày cấy, chăm sóc, thu hoạch... có quá nhiều thứ đèo bòng theo hạt thóc làm ra. Bán không được giá, thu mới bù chi hay chỉ là phần lời không đáng kể, người nông dân trồng lúa làm sao không lo.

Cũng chuyện từ mấy ông bà nhà nông, lần này là xung quanh việc trồng rau sạch tại nhiều làng quê trong tỉnh. Khi mà chuyện ăn uống cộm lên với bao phiền toái xung quanh vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm thì rau sạch là mục tiêu mà xã hội hướng tới. Bao lời chào mời và hứa hẹn nhưng rồi bắt tay vào làm mới ló ra bao cái khó với bao điều phiền toái. Chất lượng không đạt yêu cầu, chưa có đối tượng bao tiêu, rồi tính toán lời lỗ, thiệt hơn... Suy cho cùng là do “đầu ra” chưa định hình, nhiều bấp bênh khiến chẳng mấy người thấy mặn mà.

Gần đây rộ lên chuyện nông dân háo hức nuôi nhím ở một số nơi mà tiêu biểu là xã Điền Hương (Phong Điền). Món này hợp khẩu ở các nhà hàng, khách sạn, nhiều người thích, lắm kẻ ghiền. Thế nhưng, chỉ qua dăm ba năm đã có người kêu lỗ, kêu trời vì nhím. Chất lượng nhím nuôi vẫn tốt, thịt nhím vẫn là thứ đặc sản hàng đầu, giá bán cũng khá cao nhưng tính toán chi li, cân đối đầu vào - đầu ra lại thấy lỗ nhiều hơn lãi, chưa kể tiềm ẩn bao điều rủi ro không thể lường hết.

Cái khó từ chuyện trồng lúa, trồng rau sạch hay nuôi nhím kể trên đang có mẫu số chung nằm ở “đầu ra”, một cách nói nôm na về thị trường tiêu thụ. Kỳ thực, ở đây có những khó khăn ở tầm vĩ mô tác động như ở trong việc tiêu thụ hạt lúa của người nông dân Thừa Thiên Huế. Nó cũng bắt nguồn từ quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, phân tán và khả năng chưa đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thị trường như trong trường hợp người trồng rau sạch. Hay trong trường hợp nuôi nhím ít nhiều là yếu tố phong trào, chưa hiểu, chưa tính toán và lường hết nhu cầu của thị trường tiêu thụ.

Một thời họat động sản xuất kinh doanh ở nước ta mang nặng tính bao cấp. Người sản xuất chỉ biết làm ra hàng hóa, còn việc tiêu thụ, lời lỗ ra sao đã có Nhà nước bao tiêu, lo liệu. Khái niệm về “đầu ra” hay thị trường trở thành xa lạ một cách nguy hiểm. Di chứng của thực tế đó còn lại dai dẳng cho đến ngày nay, bao trùm trong tư duy, lề lối và cả thói quen tiếp cận công việc. Thiếu tính toán theo kiểu bắt chước anh hàng xóm, gà nhà người gáy thì nhà ta cũng gáy theo, trong đầu tư trồng trọt hay chăn nuôi thấy nhiều gần đây là những biểu hiện rõ nét.

Bài toán về “đầu ra” đặt ra, đòi hỏi sự nhập cuộc của cả cộng đồng, trước hết phải bắt đầu từ những chủ trương, chính sách từ phía Nhà nước và những ban ngành, địa phương liên quan. Mặt khác, cùng với việc mở rộng thông tin, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại còn đòi hỏi ở người đầu tư sản xuất kinh doanh bản lĩnh nghề nghiệp, khả năng nắm bắt thời cơ và trình độ cùng sự hiểu biết nhất định về đối tượng đầu tư để có những quyết định đúng đắn và hiệu quả. Phải hiểu rằng, kỵ nhất trong đầu tư kinh doanh là việc “bán quạt mùa đông, buôn hồng mùa hè”, nghĩa là biết bắt đầu và xuất phát từ thực tế.

Đình Nam

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top