Thứ Sáu, 28/12/2012 06:20
(GMT+7)
Nơi dấu xưa oai hùng
TTH - Bao kẻ bỏ công nghiên cứu đã lắc đầu và có vẻ như không thể hiểu nổi quyết định của chúa Nguyễn Phúc Chu khi dời thủ phủ từ Phú Xuân ra Bác Vọng, thấp trũng và bị chia cắt, vào năm 1712. Thế nhưng, ngẫm nghĩ lại, bỏ Phú Xuân được đánh giá là vùng đất đắc địa cho việc định cư lâu dài để chọn lấy Bác Vọng, dẫu sao cũng cho thấy dải đồng bằng nhỏ hẹp nhưng trù phú ở lưu vực sông Bồ đã có sức hấp dẫn và sự lôi cuốn đặc biệt. Chúa Nguyễn Phúc Chu sùng đạo Phật và vùng đất yên lành này được chọn như một cách để ông lánh xa sự náo nhiệt và không khí đô hội của thủ phủ bên bờ sông Hương.
Trong buổi sáng mùa đông nhạt nắng và se lạnh, tôi đã đặt bước đến chùa Bác Vọng, còn có tên gọi là Thiện Khánh. Đã đến thăm rất nhiều ngôi chùa trên đất Cố đô nhưng bước vào ngôi chùa cổ này, tôi vẫn có một cảm giác khác lạ. Như có một sự dồn tụ nơi đây linh khí của vùng đất thiêng Bác Vọng. Chưa rõ năm tháng xây dựng, nhưng chùa Thiện Khánh hàng trăm năm tuổi được biết đã gắn liền với một con người là chúa Nguyễn Phúc Chu và khả năng được xây dựng bởi ông chúa sùng đạo này. Chùa Thiện Khánh hiện còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống thông qua các lễ hội, kiến trúc, quy cách thờ tự và cả những hiện vật được phát hiện và bảo tồn như bia đá và chuông cổ. Điều đặc biệt khiến không ít người ngạc nhiên khi biết địa điểm tọa lạc của ngôi chùa cũng chính không gian của phủ Bác Vọng xưa. Kết quả khảo sát và khai quật khảo cổ tìm thấy dấu tích về Phủ Chúa, tức “thượng phủ” nằm ngay ở phía sau chùa Thiện Khánh, còn với những khoảng cách không gian không xa là các địa danh gắn liền với một phủ chúa, như Ao phủ, Cồn kho, Mô súng, Tàu tượng… qua thời gian và những biến động đã bị vùi lấp sâu dưới lòng đất, chỉ còn lại những dấu vết vỡ vụn của những đồ gốm sứ hay những ký ức mờ nhạt và đứt đoạn về ngày xưa rực rỡ. Nó như một giấc mơ thoảng qua.
Không chỉ là thủ phủ một thời của xứ Đàng Trong, Bác Vọng còn được biết đến như một vùng đất với những dấu xưa oai hùng. Trước khi in lại dấu ấn lịch sử với những ghi chú trong “Ô châu cận lục” của Dương Văn An tiên sinh, rằng “Bác Vọng đóng đăng bắt cá”, thì vùng đất này được lưu truyền là quê hương của kẻ anh hùng Đặng Dung, nổi tiếng trong cuộc kháng chiến chống Minh thời Hậu Trần với những câu thơ là hành trang vào đời của bao thế hệ: “Thù nước chưa xong đầu đã bạc/ mài gươm mấy độ bóng trăng cao”( Thuật hoài). Và rồi chừng 500 năm sau đó, tiếp bước cũng là một kẻ anh hùng đã chọn Bác Vọng, nơi có bến đò Quai Vạc để lưu danh muôn thuở. Ông là Đặng Hữu Phổ, một trong những người đầu tiên hưởng ứng Chiếu Cần Vương kháng Pháp. Sự nghiệp không thành nhưng cái chết của ông đã khiến quân thù khiếp sợ và còn vọng đến hôm cũng là những vần thơ cháy bỏng: “Chính khí nay về cùng đất nước/ Hồn thiêng theo mãi với vua, cha” (Lâm hình thời tác).
Ngay trên mảnh đất Bác Vọng, chúa Tiên Nguyễn Hoàng cũng kịp lưu danh dấu ấn với huyền thoại về sự tích miếu Bà Tơ được xem là một giai thoại đẹp trong ngày đầu mở cõi phía Đàng Trong, gắn liền với chiến công người thiếu phụ họ Trần giúp chúa Tiên thoát truy sát của kẻ thù trong một ngày giông bão. Nó gợi cho ta nhớ lại hình ảnh người đàn bà áo xanh trong mộng đã giúp Chúa Nguyễn Hoàng tiêu diệt tướng nhà Mạc Lập Bạo và được lập miếu thờ ở Ái Tử (Quảng Trị). Hay là người đàn bà áo đỏ ở vùng đồi Hà Khê (Kim Long) trong huyền thoại về chùa Thiên Mụ cũng chính nằm trong những giấc mơ lớn của Đoan Quận công Nguyễn Hoàng trên hành trình Nam Tiến.
Một miếu thờ và một khu lăng mộ dành cho kẻ anh hùng Đặng Hữu Phổ đã được xây dựng cả trăm năm nay ở gần bến đò Quai Vạc và đất Cồn Căng. Cũng đã có một miếu thờ vọng lại công đức của Bà Tơ họ Trần và mới đây trong năm 2012 lễ hội miếu Bà lần đầu tiên được tổ chức trong khuôn khổ ngày hội “Sóng nước Tam Giang”. Và tôi, buổi sáng nay nơi khuôn viên chùa Thiện Khánh chạnh nhớ đến tiếng chuông chùa xưa đã hàng trăm năm nay vẫn sớm hôm đều đặn nguyện cầu cho sự bình an của con dân và làng quê Bác Vọng. Nó như tiếng của ngày xưa vọng về, oai hùng và huyền diệu, tạo nên dấu ấn khó phai về ngôi chùa làng của làng quê Bác Vọng, nơi từng là thủ phủ một thời của cả vùng đất và của cả xứ Huế, mảnh đất thần kinh.
Đình Nam