Thứ Năm, 05/11/2015 14:36
(GMT+7)
Nơi lưu giữ hồ sơ quá khứ
TTH - Trong thiết chế văn hóa làng xã ở Thừa Thiên Huế, bên cạnh chùa làng, đình làng còn có nhà thờ làng. Đình làng là một thiết chế văn hóa tổng hợp. Về mặt tín ngưỡng, đó là nơi thờ cúng vị Thành hoàng được xem là vị vua, thần hộ mệnh của làng. Đình làng là trụ sở hành chính, nơi mọi công việc về hành chính của làng đều được tiến hành ở đó, từ việc xét xử các vụ tranh chấp, phạt vạ, khao vọng; từ thu tô thuế đến việc bắt lính, bỏ các xuất phu đinh. Đình làng còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa của cả làng gắn liền với hoạt động lễ hội. Một trong số ít đặc biệt là trường hợp của làng Thanh Phước (Quảng Điền), không có đình làng và thay thế cho các chức năng của đình làng là ngôi chùa làng. Còn nhà thờ làng đơn giản là nơi thờ thập nhị tông phái và là nơi lưu giữ nhiều hồ sơ, giấy tờ có giá trị và ý nghĩa đặc biệt của làng.
Có thể xem hai làng Diêm Trường và Phụng Chánh thuộc xã Vinh Hưng (huyện Phú Lộc) là nơi tiêu biểu cho một làng quê Huế vừa có đình làng, lại vừa có nhà thờ làng. Điều đặc biệt là cả hai làng này có chung một đình làng, còn gọi là đình Đôi nay đã bị tháo dỡ vì hư hỏng nặng, nơi một thời từng diễn ra nhiều sự kiện trong lịch sử đấu tranh cách mạng của vùng đất nằm bên kia đầm Cầu Hai này. Còn lại nhà thờ làng mới đây đã tạo được bất ngờ thú vị. Đó là trong chuyến điền dã khảo sát tại nhà thờ làng của làng Diêm Trường, các nhà nghiên cứu của Phân viện Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại Huế đã phát hiện ra những tài liệu liên quan đến một nhân vật lịch sử, dân gian thường gọi là Bà Trà và được sử sách nhắc tới với danh xưng Trà Quận công. Từ tài liệu phát hiện tại nhà thờ làng Diêm Trường, các nhà nghiên cứu ở Phân viện Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại Huế đã đối chứng với những công trình nghiên cứu lịch sử, như “Thực lục tiền biên” của Quốc sử quán triều Nguyễn và được biết đây là nhân vật lịch sử của đất nước, được phong tặng là một trong số những khai quốc công thần dưới triều Nguyễn.
Một phát hiện khác cũng rất thú vị là tại nhà thờ làng Lương Viện cũng thuộc xã Vinh Hưng, các nhà nghiên cứu khoa học đã tìm thấy một họa đồ của làng còn được lưu giữ. Theo đó, người ta được biết về một con sông xưa nay đã bị bồi lấp khởi nguồn từ độn cát làng Diên Lộc (Phú Vang) đi qua nhiều xóm làng ở vùng khu III Phú Lộc trước khi đổ vào đầm Cầu Hai. Một thời, đây là tuyến giao thông quan trọng, là nguồn nước ngọt cung cấp cho nhiều đồng ruộng vùng bên kia đầm Cầu Hai.
Rõ ràng, bên cạnh những tài liệu mang tính phát hiện, các nhà thờ làng ở Thừa Thiên Huế đang lưu giữ rất nhiều hồ sơ quan trọng có giá trị lịch sử từ những chiếu, chỉ, sắc, phong của triều đình phong kiến đến những sổ sách ghi chép về đất đai, thổ cư, nguồn gốc và gia phả các dòng họ và cả những tài liệu quý hiếm, là niềm tự hào của làng quê, kiểu như hồ sơ liên quan đến Bà Trà hay tấm họa đồ làng Lương Viện có con sông một thời nay chỉ còn là hoài niệm. Tuy nhiên, điều đáng nói về nguồn tài liệu phong phú này là việc bảo quản vẫn đang là công việc tự phát của làng và chủ yếu đều bằng chữ Hán. Vấn đề đặt ra là ngành văn hóa cần có kế hoạch khảo sát để giúp các làng quê gìn giữ những hồ sơ mang giá trị lịch sử lâu đời và là niềm tự hào lớn lao kia. Cần thiết có thể cho tổ chức dịch thuật các tài liệu từ chữ Hán sang chữ Quốc ngữ để mọi người đều có thể đọc và hiểu được. Không chỉ tăng thêm sự hiểu biết về lịch sử vùng đất đang sinh sống mà còn là cơ sở giúp địa phương xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.
Đan Duy