ClockThứ Năm, 10/09/2015 17:03

Phố đi bộ ở cực nam

TTH - Thú thật là tôi đã không khỏi suy nghĩ, không khỏi ao ước khi nhìn thấy và dạo bước ở trạm dừng Hải Vân Mêkông ở bên kia hầm đường bộ Hải Vân. Trong hành trình vào Nam hay chỉ là một vài chặng ngắn về phía ấy, chúng tôi cũng hay chọn nơi này để nhâm nhi một tách café, uống một ly trà hay chanh nóng, cũng có thể là một suất ăn sáng trước khi tiếp tục hành trình. Dậy lên trong ý nghĩ ở những câu chuyện bâng quơ, là bao giờ Huế sẽ có trạm dừng quy mô, hiện đại để đón khách ngược xuôi trên hành trình bắc nam?

Không phải là đối trọng, có lẽ nhiều hơn là một chút gì đó có phần tự ái khi chúng ta không hề thiếu những vị trí thuận và đẹp để có một kiểu thức như Hải Vân Mêkông, nhất là khi Lăng Cô đẹp thế và vẫn chưa khai thác hết mọi tiềm năng. Trong một cái nhìn tổng thể khác, dễ nhận thấy ngay là suốt chiều dài hơn 110 km của tuyến Quốc lộ 1A qua Thừa Thiên Huế hầu như chỉ có những quán cơm tự phát, đầu tư chưa nhiều và phân bố rải rác ở quy mô nhỏ lẻ. Tuyến đường phía tây thành phố với chiều dài gần 36km gần như cũng chưa được ai thực sự “để mắt”, kể cả sau 2 năm - tính từ tháng 9/2013 - được đầu tư cải tạo nâng cấp phần nền và thảm nhựa lại mặt đường và trở thành một trong những tuyến quan trọng với lưu lượng, tần suất xe tham gia giao thông đường dài cao.

Chính vì những điều này nên rất nhiều người đã rất quan tâm trước thông tin Ban Quản lý Khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô đã có quyết định phê duyệt thiết kế phố đi bộ đầm Lập An với diện tích khu vực thiết kế gần 49 ha, bắt đầu từ tuyến đường Nguyễn Văn (thị trấn Lăng Cô) ra 150m về phía đầm – một khu thủy vực tương đối biệt lập, phù hợp với nhu cầu nghỉ ngơi và cả nghỉ dưỡng của du khách. Tại đây sẽ hình thành các khu trồng cây xanh, quảng trường, khu tượng đài, công viên nước, khu dịch vụ biểu diễn, đài phun nước nghệ thuật, câu lạc bộ bến thuyền với quy mô từ 500 đến 800 khách. Riêng các khu ẩm thực và nhà hàng dịch vụ trên bờ sẽ có năng lực phục vụ khoảng 1.200 khách. Dựa vào kiến tạo của đầm Lập An - với chiều dài đầm khoảng 5-6km, chiều rộng trên 3km và tổng diện tích mặt nước vào khoảng 15km2, lại có hệ thống núi bao quanh - quan điểm kiến trúc cảnh quan và tổ chức dịch vụ cũng thể hiện rõ khi xác định một hình thức kiến trúc không gian mở hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, nhiều cây xanh và là sự kết nối hài hòa giữa kiến trúc truyền thống và hiện đại…

Có thể nói rằng, dáng vóc của một điểm trung chuyển và nghỉ ngơi quy mô đã được hoạch định. Và trong tương lai, nếu tìm được sự hợp tác và được đưa vào đầu tư, khai thác kết hợp với vùng Chân Mây- Lăng Cô, đây sẽ là một phố đi bộ nằm trong vùng phát triển mang tính động lực ở cực nam của tỉnh. Tất nhiên, một yếu tố quan trọng khác là phải bằng mọi giá bảo vệ được môi trường cảnh quan và hệ sinh thái trong sự phát triển của du lịch và dịch vụ, xem đó như một “bảo chứng” quan trọng nhất của phát triển du lịch xanh, du lịch thân thiện.

Từ kinh nghiệm của các trung tâm mua sắm và một số trạm dừng chân đã có dịp mục kích ở Thái Lan và cả Hải Vân Mêkông kề cận, theo chúng tôi, trong định hướng mời gọi và hợp tác, phố đi bộ ở cực nam này sẽ có điều kiện phát triển dựa trên các tiêu chí đã được xác định về cảnh quan, về kiến trúc, về quản lý không gian cũng như môi trường sinh thái nếu không bị phân chia thành nhiều gói đầu tư. Hẳn nhiên, đây là việc không dễ, nhưng vẫn là điều được nhiều người kỳ vọng.

An Bình Lê
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top