Thứ Năm, 21/02/2013 10:59
(GMT+7)
Ra quân đầu năm
TTH - Ngay từ mùng 4 Tết Quý Tỵ, Công ty trách nhiệm hữu hạn Bia Huế đã ra quân sản xuất đầu năm mới. Hai ngày sau đó, các doanh nghiệp lớn của Thừa Thiên Huế như xi măng Long Thọ hay Dệt may Huế cũng đồng loạt ra quân đầu năm. Xem ra, trong khi đơn vị hành chính sự nghiệp vẫn còn “nghỉ Tết” thì ngày mùng 6 Tết, các cơ sở sản xuất đã vào xưởng, vào ca. Ngày đầu trở lại sản xuất trong năm mới được xem là sự kiện đáng nhớ của mỗi đơn vị.
Vẫn có những nghi ngờ và cũng đã có những biểu hiện hình thức khi tính đến hiệu quả mang lại từ sản xuất kinh doanh, nhưng rõ ràng, đây được xem là nét đẹp truyền thống đầu năm. Đã từ nhiều năm nay, đối với các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh, lựa chọn ngày khởi hành cho năm mới âm lịch là điều vô cùng quan trọng. Theo đó, việc có được một ngày lành sẽ giúp cho năm mới làm ăn “thuận buồm xuôi gió”, mọi điều sẽ may mắn. Không có một ngày cố định. Ngày sản xuất đầu năm có thể là mùng 1 Tết và cũng có thể là các ngày mùng 6 hay mùng 9... Thành bại trong kinh doanh là bởi từ nhiều yếu tố khác nhau. Song không thể không tính đến yếu tố may mắn khi mà điều dữ xua đi và điều lành mang tới là điều mà bất kỳ ai cũng khao khát mong đợi.
Ngày đầu ra quân cũng là lúc các doanh nghiệp gửi gắm niềm tin, mong ước “đón lộc” sớm và hy vọng về một năm 2013 sản xuất kinh doanh phát đạt. Mục tiêu của Công ty trách nhiệm hữu hạn Bia Huế trong năm 2013 là phấn đấu đạt sản lượng tiêu thụ 235 triệu lít bia, nộp ngân sách 1.300 tỷ đồng, đồng thời nâng mức thu nhập bình quân lên hơn 8 triệu đồng/người/ tháng. Hay như với Công ty CP Dệt may Huế, đó là mục tiêu đạt mức lương 4,2 triệu đồng/ người/tháng, có tổng doanh thu 1.400 tỷ đồng, xuất khẩu 66 triệu USD, lợi nhuận 35 tỷ đồng. Đây là thời điểm mở đầu cho việc biến mục tiêu và ước mơ thành hiện thực.
Không phải vô cớ mà “ngày lành, giờ tốt” được nhắc đến trong việc tổ chức ngày sản xuất đầu năm mới. Thị trường được xem là chiến trường. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và quốc gia gặp nhiều khó khăn, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp phải đương đầu với không ít những thử thách. Nó đòi hỏi ở các doanh nghiệp những năng lực thực sự, biết nhìn xa trông rộng trong nắm bắt tình hình để có sự đầu tư đúng hướng, cũng như khả năng vượt khó, biết tạo ra thời cơ và biết tận dụng những yếu tố may mắn về “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để kinh doanh có hiệu quả. Với ý nghĩa đó, sự may mắn không đồng nghĩa với hên xui, may rủi, mà là khả năng đón bắt và tận dụng cơ hội tốt để làm giàu cho cá nhân, cho doanh nghiệp và qua đó góp phần vào sự phát triển của địa phương và của đất nước.
Đan Duy