Thứ Năm, 29/08/2013 05:36
(GMT+7)
Sân bóng mang tên Tự Do
TTH - Dạo mới giải phóng tôi sống ở quê, làng Dạ Lê Thượng nằm ở ven đô Huế. Tôi nhớ, cứ đúng vào ngày lễ 2/9 hằng năm, khi chỉ còn vài ngày nữa là phải trở lại trường học, thế nào tôi cũng được ông nội bác có nhà sát cạnh nhà tôi cho đi Huế chơi. Ông không có cháu nội, ngoại nên rất thương và cưng tôi. Ngay từ sáng sớm, hai ông con đã khăn gói lên đường. Ông con thủng thẳng đi bộ với một hành trình quen thuộc. Buổi sáng đi thẳng vào Tây Lộc, ở đó có nhà người em và cũng là ông nội chú của tôi. Tôi đặc biệt ấn tượng khi đi qua cầu Trường Tiền, băng qua đường Trần Hưng Đạo, rồi ngược theo đường Lê Duẩn. Thích nhất là được ngắm Cột Cờ Huế phần phật tung bay trong sắc trời ngày thu. Buổi trưa, hai ông con ghé lại nhà người em và là mụ cô bà của tôi, một cán bộ tập kết. Hai ông con được bữa cơm trưa thịt cá ngon lành; để rồi sau đó, buổi chiều ra sân Tự Do xem đá... ballon. Bao giờ ông cũng nói xem đá banh bằng nguyên tiếng Tây nghe ngọt xớt.
Tôi mê đến nhập tâm bóng đá. Vậy nên mỗi lần được vào sân là người cứ cảm thấy sướng rơn, nhất là những dịp như thế này được đi với ông, có vé vào cổng đàng hoàng. Và rồi, cũng như bao người Huế, tôi tự hào thành phố của mình có sân vận động thuộc vào loại sớm và đẹp nhất nước. Nghe đâu ngay từ đầu thập niên 1930, người Pháp đã xây dựng sân vận động này và đặt cho nó cái tên Tây khá kêu là Strade Olympicque de Hué. Sau đó, triều đình nhà Nguyễn cho đổi tên sân thành sân vận động Bảo Long, tên hoàng thái tử con vua Bảo Đại với hoàng hậu Nam Phương. Khắp nước ta, kể luôn cả khu vực Đông Dương, đây là sân vận động đầu tiên (và là duy nhất) có lòng chảo kiên cố dành cho đua xe đạp lẫn ô tô. Khởi thủy, hệ thống lòng chảo ở đây đã được xây dựng bằng bê tông, nghiêng 45 độ, chu vi 500 mét. Sau ngày giải phóng, đua xe đạp lòng chảo vẫn là món đặc sản của sân vận động Huế ở trước mỗi trận bóng đá và tôi đã nhiều lần được thưởng thức. Ở đây cũng hội đủ điều kiện để tổ chức các cuộc tranh tài võ thuật hoặc các môn điền kinh. Mặt bằng rộng rãi cũng tỏ ra thích hợp đối với các buổi văn nghệ mang tính quảng diễn hay các họat động mit tinh đại quy mô.
Khắc ghi trong ký ức bao thế hệ là hình ảnh sân vận động Bảo Long trong mùa thu Cách mạng Tháng Tám 1945, khi mà vào chiều ngày 23/8 lịch sử tại đây, hàng vạn dân chúng nội ngoại thành đã tập trung tại đây để chào đón Ủy ban khởi nghĩa do đồng chí Tố Hữu làm Chủ tịch, tuyên bố xóa bỏ chế độ thực dân phong kiến, thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Thừa Thiên do ông Tô Quang Phiệt làm chủ tịch. Cái tên Tự Do giàu ý nghĩa, thể hiện khát vọng của của mỗi người dân, của vùng đất và của cả dân tộc, được biết kể từ đó gắn liền với sân vận động nổi tiếng đất Thần kinh này. Sân bóng Tự Do trong Cách mạng Tháng Tám đã là câu chuyện lịch sử cảm nhận được từ sách vở và ký ức của những bậc tiền nhân. Mấy chục năm qua, tôi cũng đã có vinh dự chứng kiến sân vận động Tự Do bao lần trong sắc màu rực rỡ và hào hùng của những dịp lễ trọng của non sông, đất nước.
Bây giờ sân vận động Tự Do cũng đã khác xưa nhiều qua bao lần tu sửa và tôn tạo. Vậy nhưng, cứ mỗi lần đi qua đây, như buổi sáng thu nay, tôi lại có cảm giác như bắt gặp cái không khí của ngày xưa vọng về. Nó có âm hưởng hào hùng lớn lao với hàng vạn con người góp mặt trong ngày hội sông núi năm nào. Còn nữa, nó cũng thật lắng đọng và tri kỷ trong tâm hồn của bao kẻ thường dân xứ Huế như ông con tôi một thuở về một điểm đến đáng tự hào của miền núi Ngự sông Hương.
Đình Nam