ClockThứ Năm, 16/05/2013 11:01

Sân đình và bến nước

TTH - Mậu Tuất 1898, ông đồ Nguyễn Sinh Sắc lần thứ hai dự kỳ thi Hội và lại rớt. Sau lần trượt này, học bổng của Trường Quốc Tử Giám không còn. Muốn thi lại, ông Sắc phải tự chèo chống lấy. Gia cảnh cực kỳ khó khăn. Bà Hoàng Thị Loan bàn với chồng tạm thời ở tạm đâu đó để giải quyết khó khăn. Được một người bạn giới thiệu, ông Sắc đã đem hai con là anh em Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung về làng Dương Nỗ. Ở đó cho đến năm 1900, ông Sắc dạy học cho con cái gia đình ông Nguyễn Sĩ Độ. Bà Loan tiếp tục ở lại Huế.

Từ Huế về Dương Nỗ chỉ hơn 5 cây số, nằm trên đường đi biển Thuận An. Hơn 110 năm rồi, cảnh quan thay đổi nhiều lắm, nhưng hình như vẫn còn đó dáng hình con đường quanh quanh dạo nào và tháng năm về thấp thoáng ở phía xa là những cánh đồng lúa chín mới gặt xong thơm mùi rơm rạ. Nhà lưu niệm nơi ngày Bác Hồ từng sống ở Dương Nỗ là một ngôi nhà tranh ba gian hai chái truyền thống. Tương truyền, xưa đồ đạc trong nhà đơn sơ, ở giữa kê bộ phản để ông Sắc ngồi dạy học, hai bộ phản khác kê hai bên để cho học trò ngồi học. Còn góc trong, gian bên trái có kê giường gỗ, dát tre, là nơi Nguyễn Sinh Khiêm, Nguyễn Sinh Cung thường nằm; gian bên phải kê một chiếc rương để đựng đồ đạc. Hai chái hai đầu là nơi sinh hoạt và cất trữ thực phẩm. Nối với nhà chính là ngôi nhà tranh được sử dụng làm bếp sinh hoạt của gia đình.

Tuổi trẻ Báo Thừa Thiên Huế thăm nhà Bác ở Dương Nỗ. Ảnh: TN

Không xa từ nhà Bác ở đi về bên trái chừng 25 mét là con sông Phổ Lợi hiền hòa. Cũng dọc theo con sông Phổ Lợi nhưng ngược lên Huế vài trăm mét là đình làng Dương Nỗ, tương truyền được xây dựng vào thời Lê Thánh Tông (1471). Các vị thuỷ tổ của làng Dương Nỗ đã chọn vùng đất thoáng đãng ở bờ nam thuộc hạ lưu sông Kim Trà này để lập làng sinh sống, dựng ngôi đình để thờ tự các vị tiền nhân. Lúc đầu, đình đơn giản bằng tranh, tre, nứa, lá. Mãi đến năm Gia Long thứ 7 (1808), nhờ sự hỗ trợ đắc lực của Tri tượng chánh chưởng Tượng quân kiêm cai vào vụ giám quân Nguyễn Đức Xuyên (một vị tướng dưới thời Gia Long, quê làng Dương Nỗ) đã giúp cho dân làng xây dựng lại ngôi đình có quy mô rộng lớn bằng gỗ lim, tồn tại cho đến hôm nay.

Thay thế cho những con đường làng nhỏ bé và lầy lội xưa kia giờ đã là những con đường bê tông rộng phẳng. Đôi bờ sông Phổ Lợi cũng đã được nối nhịp bằng cây cầu. Cùng với ngôi đình đang được tu sửa đã có thêm chợ Nọ, những ngôi trường làng và bao nhà cửa đông vui. Vậy nhưng, về Dương Nỗ thăm nhà lưu niệm Bác Hồ, ấn tượng nhất cùng với mái nhà tranh của chủ nhân xưa vẫn là không gian văn hóa làng xã với hình ảnh về sân đình, cây đa và bến nước. Bến nước bên dòng Phổ Lợi còn đó gợi nhớ hình ảnh xưa cậu bé Nguyễn Sinh Cung và anh trai vẫn thường lấy nước, tắm giặt, ngắm cảnh… Còn sân đình làng Dương Nỗ lại gắn với các lễ hội vui và những cuộc họp bàn công việc của các bậc lớn tuổi, có thấp thoáng bóng dáng hiếu động và tò mò của cậu bé Cung ở tuổi xấp xỉ lên mười.

Thời thế như một cơ duyên đưa cha con cậu bé Nguyễn Sinh Cung đến với một làng quê ở Huế. Cuộc đời và sự nghiệp lẫy lừng của Bác gắn liền với bao tên đất và tên người, vậy nhưng khung cảnh làng quê với bến nước, đình làng và những con người ở Dương Nỗ vẫn mang một dấu ấn đặc biệt. Cùng với Kim Liên hay Hoàng Trù ở quê hương xứ Nghệ, nó là tuổi thơ, nơi nuôi dưỡng nên một tâm hồn lớn, một nhân cách vĩ đại của dân tộc và của cách mạng.

Đan Duy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top