ClockThứ Năm, 29/11/2012 01:52

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

TTH - Doanh nghiệp là động lực tạo ra tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, cần tập trung sức tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 13/NQ-CP về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Vấn đề là thực hiện như thế nào để những giải pháp này đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả nhanh nhất và cao nhất. Có nhiều doanh nghiệp nói, giải pháp về cơ bản là “liều thuốc” đặc trị tốt, nhưng triển khai còn có nơi, có lúc chưa thực sự quyết liệt, chưa đồng bộ; mặt khác, các ngành, các cấp, các địa phương cần biết lắng nghe một cách nghiêm túc và sớm giải quyết những kiến nghị hợp lý, chính đáng của doanh nghiệp và chung tay cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn.

Cho đến nay, hàng tồn kho tuy đã giảm dần trong những tháng gần đây, nhưng vẫn còn ở mức cao, cần tập trung làm tốt công tác xúc tiến thương mại thị trường trong nước, ưu tiên triển khai nhiều chương trình trong khuôn khổ của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” như tổ chức các cuộc triển lãm, hội chợ, đưa hàng hóa sản xuất trong nước về nông thôn, đồng thời mở rộng thị trường xuất khẩu; có biện pháp kích cầu để tăng sức mua; khuyến khích các doanh nghiệp ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau như: đẩy nhanh các chương trình, dự án đầu tư làm đường giao thông nông thôn và đường cao tốc sử dụng bê-tông xi-măng nhằm cứu các doanh nghiệp xi-măng có lượng hàng tồn kho quá lớn hiện nay…

Thời gian qua, khả năng của doanh nghiệp giảm giá để tiêu thụ sản phẩm đã bị cản trở bởi những diễn biến bất lợi về chỉ số giá. Cơ hội để doanh nghiệp giảm mạnh giá bán để tiêu thụ hàng tồn kho là không lớn khi áp lực tăng chi phí sản xuất vẫn còn cao. Doanh nghiệp đang trong vòng xoáy: “chi phí tăng - giá bán tăng - tiêu thụ giảm - tồn kho tăng - chi phí lại tăng”.

Trong bối cảnh hiện nay, việc tăng tổng cầu sẽ giải quyết được vấn đề thị trường tiêu thụ cho doanh nghiệp. Một trong những biện pháp tăng tổng cầu của nền kinh tế là thực hiện hợp lý chính sách tài khóa, phối hợp chặt chẽ một cách có hiệu quả với chính sách tiền tệ, tín dụng. Việc bơm vốn tín dụng cho các doanh nghiệp cũng như đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong thời điểm hiện nay không phải là dễ, nếu như việc cơ cấu lại nợ, giảm nợ xấu và cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém chưa trở thành hiện thực. Do vậy, để bù đắp phần thiếu hụt tín dụng, cần tăng chi đầu tư công, trong đó đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, coi đây là một trong những biện pháp có hiệu quả để tăng tổng cầu, giảm hàng tồn kho. Các biện pháp tăng tổng cầu cần được phân bổ với quy mô và liều lượng phù hợp khả năng hấp thụ của nền kinh tế, tránh gây ra nguy cơ lạm phát cao.

Về lãi suất, từ đầu năm đến nay, ngân hàng đã nhiều lần giảm lãi suất và trước ngày 15/7/2012, lãi suất cho vay với các hợp đồng cũ cũng được đồng loạt kéo giảm còn ở mức dưới 15%. Việc giảm lãi suất là tín hiệu tích cực, nhưng dòng tiền lãi suất thấp thực tế chưa đến được doanh nghiệp do nhiều rào cản. Các khoản vay hiện nay với lãi suất đã giảm, nhưng doanh nghiệp, sau một thời gian dài đối mặt với nhiều khó khăn, liệu có còn đủ điều kiện để vay vốn tín dụng của các ngân hàng thương mại? Vẫn đói vốn, nhưng doanh nghiệp thờ ơ với lãi suất thấp.

Lãi suất tuy đã giảm dần, nhưng vẫn còn rất cao so với lãi suất ở các nước trên thế giới (từ 0,5% đến phổ biến là 5 - 6%); lãi suất huy động đã giảm 5%, nhưng lãi suất cho vay bình quân chưa giảm tương ứng. Lãi suất cao tác động tới tăng giá thành sản phẩm, khó được người tiêu dùng chấp nhận, dẫn tới hàng tồn kho nhiều.

Nhiều doanh nghiệp còn kêu ca là chậm được hưởng mức lãi suất ưu đãi hay hỗ trợ cho bốn lĩnh vực ưu tiên là nông nghiệp, xuất khẩu, công nghiệp bổ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa như đã công bố.

Trước mắt, Nhà nước cần có cơ chế giám sát việc thực hiện quy định giảm lãi suất vốn vay, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn. Không ít doanh nghiệp đang đối mặt với vấn đề nan giải là vấp phải trở ngại về điều kiện tiếp cận tín dụng ngân hàng khi không còn tài sản thế chấp, tài sản bảo đảm để vay hoặc vướng vào rào cản nợ xấu. Các doanh nghiệp có vấn đề về “sức khỏe” thì không ngân hàng thương mại nào dám cho vay, vì lo nợ xấu. Tình trạng vốn không thiếu, lãi suất hạ, nhưng ngân hàng tìm được khách hàng hội đủ điều kiện để cho vay cũng không phải dễ.

Tốc độ tăng tín dụng so với cuối năm 2011 liên tục âm suốt năm tháng đầu năm 2012 khiến hàng loạt doanh nghiệp lao đao về vốn sản xuất, kinh doanh. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp không biết vay vốn ngân hàng để làm gì khi gặp khó khăn về đầu ra cho sản phẩm hàng hóa và dịch vụ. Nhà nước cần hỗ trợ các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp trong việc triệt tiêu cái vòng luẩn quẩn: “hàng tồn kho tăng - nợ xấu tăng - tín dụng giảm - sức mua giảm - tồn kho lại tăng”.

Doanh nghiệp và ngân hàng đều có khó khăn riêng. Doanh nghiệp phấn đấu vươn lên đáp ứng được yêu cầu của ngân hàng. Ngân hàng giúp doanh nghiệp hoàn thiện những thủ tục, trên cơ sở bảo đảm quyền lợi của cả ngân hàng và doanh nghiệp. Chỉ khi đó, doanh nghiệp mới tiếp cận được vốn ngân hàng và các ngân hàng mới khai thác được thế mạnh của doanh nghiệp.

Ngân hàng thực hiện các biện pháp cơ cấu lại nợ (thời hạn trả nợ, lãi suất, cho vay mới trả nợ cũ…) và các giải pháp cần thiết khác, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vay được vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, nhất là đối với những doanh nghiệp có triển vọng phát triển, có sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường, nhưng đang gặp khó khăn về tài chính. Các ngân hàng cùng đồng hành, tháo gỡ khó khăn với doanh nghiệp để khơi thông nguồn vốn, bởi lẽ, sự tồn tại, phát triển của doanh nghiệp cũng là sự phát triển của ngành ngân hàng, cứu doanh nghiệp cũng chính là ngân hàng tự cứu mình.

Về chính sách giảm thuế, giãn thuế, nhiều doanh nghiệp cho rằng, đây là sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước, nhưng chính sách này chỉ đến được với doanh nghiệp đang hoạt động, còn các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động thì không có tác dụng nhiều. Các doanh nghiệp không có lợi nhuận, có bán được hàng đâu mà giảm thuế?

Mặt khác, theo Báo cáo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, ngày 4/9/2012, tỷ lệ thuế và phí ở Việt Nam vào hàng cao nhất khu vực; tỷ lệ thuế, phí /GDP của Ấn Độ là 7,8%, In-đô-nê-si-a 12,1%, Ma-lay-si-a 15,5%, Phi-lip-pin 13%, Thái Lan 15,5%, Trung Quốc 17,3% và Việt Nam là 21,6%, về lâu về dài, sẽ được Nhà nước nghiên cứu, xem xét.

Cùng với các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo Nghị quyết 13 của Chính phủ, bản thân các doanh nghiệp cũng cần phát huy nội lực, tiến hành tái cơ cấu gắn với đổi mới cơ chế quản lý, tìm hướng đi mới cho đơn vị mình, làm cho doanh nghiệp hoạt động ngày càng có hiệu quả và đóng góp nhiều hơn cho đời sống kinh tế - xã hội đất nước theo yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập toàn diện.

Chiến Hữu-Văn Chính
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top