ClockThứ Năm, 17/10/2013 05:53

Thương hiệu hàng hóa

TTH - Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” diễn ra hơn 4 năm qua với mục đích phát huy lòng yêu nước, ý chí tự lực tự cường, tôn trọng dân tộc, xây dựng nếp văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam.

Trong cuộc vận động này, chủ thể của cuộc vận động thể hiện rất rõ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng của Đảng, Chính phủ ở Kết luận số 264-TB/TW của Bộ Chính trị ngày 16/9/2009, Thông tư số 24/CT-TTg ngày 17/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Chủ thể quan trọng, đó là vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc tổ chức lại sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa vừa bảo đảm chất lượng, có giá cả phù hợp. Chủ thể có vai trò quyết định là người tiêu dùng, đề cao lòng tự tôn dân tộc để thực hiện phương châm Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt.

Theo tiến sĩ Nguyễn Văn A trong ba chủ thể của cuộc vận động này, điều trước hết là phải đổi mới trong tư duy lãnh đạo. Ông cho rằng những chính sách bất hợp lý về mua sắm tài sản công chính là thủ phạm tạo nên nhập siêu lớn. Thay đổi tư duy để có quan điểm sử dụng sản phẩm nội địa là điều hết sức cần thiết. Tiếp đến, là phải nâng cấp doanh nghiệp. Chừng nào hàng hóa của Việt Nam chất lượng chưa tốt, giá cả chưa hợp lý thì người tiêu dùng khó có thể chấp nhận khi lựa chọn trong tiêu dùng.

Chủ thể doanh nghiệp khi xây dựng được thương hiệu hàng hóa có chất lượng, giá cả phù hợp còn phải lưu ý đến khâu bán hàng, mạng lưới phân phối hàng hóa thuận lợi và biết tiếp thị, quảng bá hàng hóa của mình đến với người tiêu dùng.

Chủ thể thứ ba là người tiêu dùng. Phải nâng cao ý thức tự tôn dân tộc, bỏ thói quen sính hàng ngoại để đồng hành cùng doanh nghiệp trong sự phát triển chung của đất nước. Việc này cần được tuyên truyền, giáo dục người tiêu dùng từ trong trường học ra ngoài xã hội, trở thành một nếp quen của người dân Việt.

Có thể nói thực hiện cuộc vận động này, Ban Chỉ đạo cuộc vận động từ Trung ương đến các địa phương đã vào cuộc rất tích cực. Trong đó vai trò của UBMTTQVN các cấp thể hiện khá rõ. Điều này thể hiện sự chủ động của UBMTTQVN các cấp với các ngành chuyên môn, các cơ quan thông tấn báo chí nhằm làm cho các tầng lớp nhân dân nhận thức đầy đủ hơn về cuộc vận động.

Sự chuyển biến của các doanh nghiệp cũng là hướng tích cực làm cho người tiêu dùng gần gũi với hàng hóa nội địa. Các chương trình Tháng bán hàng Khuyến mại, chương trình đưa hàng hóa về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, tổ chức các đợt hội chợ thương mại, hội chợ công thương... nhằm quảng bá thương hiệu hàng hóa đã góp phần tác động đến nhận thức của người tiêu dùng.

Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, Chương trình hàng Việt khuyến mãi được tổ chức khá quy mô trên phạm vi toàn tỉnh. Trong 9 tháng đầu năm 2013 đã tiếp nhận 3.431 thông báo thực hiện chương trình khuyến mại của các thương nhân, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong và ngoài tỉnh tham gia. Hàng hóa, dịch vụ tham gia chương trình khá đa dạng, phong phú, chất lượng bảo đảm như mỹ phẩm, thực phẩm, xe máy, đồ dùng gia đình, dịch vụ viễn thông... Tổng giá trị sản phẩm dùng để khuyến mại của các thương nhân, doanh nhân đăng ký trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 199,2 tỷ đồng.

Hiệu quả của Chương trình Tháng bán hàng khuyến mại trong năm 2013 đã thu hút trên 175 doanh nghiệp tham gia với hơn 800 chương trình khuyến mại. Các chương trình khác như Chương trình “Tự hào hàng Việt” của Siêu thị Coopmart Huế; Chương trình “Siêu giảm giá mua sắm thả ga” của Siêu thị Big C Huế; Chương trình “Bình ổn giá Mùa khai trường năm học 2013-2014 của Nhà sách Fahasha Huế... đã có tác động rất lớn đến tâm lý người tiêu dùng, đồng thời quảng bá có hiệu quả về chất lượng sản phẩm của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và các tỉnh bạn.

Trong thực tế, điều làm cho người tiêu dùng băn khoăn là chất lượng một số chủng loại hàng hóa chưa bảo đảm. Tại cuộc họp sơ kết cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” có nhiều ý kiến cho rằng, trong các đợt đưa hàng hóa về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, một số hàng hóa quá hạn sử dụng cũng được bày bán ở các gian hàng làm cho người tiêu dùng nghi ngờ về chất lượng hàng hóa. Điều nữa cần quan tâm đối với các Chương trình bán hàng Việt, đó là chế độ bảo hành và trách nhiệm của bên bán hàng về chất lượng hàng hóa. Sau khi mua hàng hóa, người tiêu dùng sẽ được bảo hành sản phẩm ra sao, và nếu hàng hóa có vấn đề thì người tiêu dùng biết kêu ai đây. Vì sau các đợt bán hàng, người bán đã thu xếp hàng hóa ra đi. Những ý kiến ấy là điều mà các nhà phân phối hàng hóa cần lưu tâm để xây dựng niềm tin trong mua và bán. Điều này cho thấy mối quan hệ giữa nhà sản xuất, kênh phân phối hàng hóa và người tiêu dùng là mối quan hệ cộng đồng trách nhiệm. Có nghĩa là doanh nghiệp, nhà phân phối phải cùng vào cuộc. Vào cuộc bằng sản phẩm có uy tín, vào cuộc bằng kỹ năng bán hàng, vào cuộc bằng trách nhiệm của mình với sản phẩm hàng hóa tung ra trên thị trường. Xây dựng được một chương trình vào cuộc như vậy mới thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Thực hiện cuộc vận động này các doanh nghiệp cần đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ; quảng bá hàng hóa thương hiệu Việt; xúc tiến phát triển hệ thống phân phối hàng Việt; đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng bán hàng Việt.

Lúc nào chủ thể là doanh nghiệp và người tiêu dùng xây dựng được niềm tin – thương hiệu thì tính bền vững trong tiêu dùng hàng nội địa sẽ đạt được hiệu quả cao.

Chiến Hữu - Văn Thanh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top