ClockThứ Năm, 31/01/2013 10:32

Tiếp dân và đối thoại với nhân dân

TTH - Lắng nghe phản ảnh của cán bộ, đảng viên và nhân dân là biểu hiện phát huy dân chủ trong hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức xã hội nghề nghiệp. Trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh, nơi tiếp dân của các cơ quan chuyên môn và UBND cấp phường, xã; bố trí cán bộ có năng lực và kinh nghiệm thực tiễn để làm nhiệm vụ tiếp dân là thực hiện Quyết định 858 của Thủ tướng Chính phủ.

Qua kết quả tiếp dân, thực tế cho thấy, nhiều công dân đến các cơ quan Nhà nước để kiến nghị, phản ảnh do chưa hiểu đầy đủ về chính sách, chế độ và các quy định của pháp luật. Được trực tiếp trao đổi, nghe cán bộ giải thích, hướng dẫn nhiều công dân đồng tình ủng hộ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Nhiều trường hợp phản ảnh của công dân chưa được cấp có thẩm quyền giải quyết đã được tiếp thu, chỉ đạo xử lý dứt điểm tạo niềm tin trong nhân dân.

Nhờ tăng cường đối thoại, xử lý, giải quyết nghiêm túc các kiến nghị, khiếu nại của nhân dân nên việc khiếu nại, tố cáo của công dân trong mấy năm gần đây có xu hướng giảm. Thực tiễn cho thấy, đối thoại trực tiếp với nhân dân và xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên có sai phạm đã thể hiện được các ưu điểm. Trước hết, người tiếp dân thông tin kịp thời những thắc mắc về chế độ chính sách, thứ hai là, từ ý kiến phản ảnh đúng đắn của nhân dân, các ngành, các cấp đã kịp thời xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên có sai phạm, nhũng nhiễu nhân dân góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ, tổ chức cơ sở Đảng giúp cho kỷ cương, kỷ luật được thực hiện nghiêm từ cơ sở. Lắng nghe ý kiến của nhân dân còn tạo sự đồng thuận trong cộng đồng dân cư, tăng sức mạnh để thể hiện thắng lợi các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao đời sống nhân dân. Đối thoại với nhân dân không chỉ để giải quyết những vấn đề nhân dân kiến nghị, khiếu nại mà là dịp thuận lợi để tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với nhân dân, nâng cao hiệu quả quản lý của chính quyền.

Để các cuộc đối thoại, tiếp dân có hiệu quả, trước hết các cấp chính quyền cần có kế hoạch cụ thể. Nắm chắc thông tin liên quan và giao cho cơ quan chuyên môn có trách nhiệm nghiên cứu kỹ để trả lời thỏa đáng cho nhân dân khi đối thoại. Trong đối thoại phải bảo đảm dân chủ, để người dân trình bày ý kiến. Trước những vấn đề chưa thể giải đáp ngay cần gợi ý hướng giải quyết và định rõ thời gian để trả lời cho nhân dân. Làm tốt những điều đó, đối thoại thực sự là chiếc cầu nối giữa tổ chức Đảng, chính quyền và nhân dân.

Tăng cường đối thoại với nhân dân là công tác cần thiết để cán bộ nắm thêm tình hình thực tế ở các địa phương. Tất nhiên ở các cuộc đối thoại với nhân dân, có sự xuất hiện của người đứng đầu các ngành, các cấp thì hiệu quả của cuộc đối thoại đạt cao hơn nhiều. Đơn giản là thẩm quyền giải quyết vấn đề thuộc về người đứng đầu. Người đứng đầu càng gần dân, giải quyết những vấn đề bức xúc trong nhân dân, không chỉ làm cho dân tin mà còn làm cho đội ngũ cán bộ cấp dưới nghiêm túc, trách nhiệm hơn về nhiệm vụ cụ thể của mình. Đội ngũ cán bộ cấp dưới gần dân, thực thi nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao với nhân dân thì thắc mắc, bức xúc trong dân sẽ ít đi. Cán bộ cấp trên gần dân thì cán bộ cấp dưới không dám xa dân. Cán bộ cấp trên là công bộc của nhân dân thì cán bộ cấp dưới không dám nhũng nhiễu nhân dân.

Gần đây, khi lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đối thoại dân chủ với cán bộ, công nhân, các chủ doanh nghiệp, nhiều vấn đề vốn khó khăn trong thực tiễn đã được tháo gỡ. Các chủ trương, chính sách của tỉnh được mở ra cho nhân dân tham gia thực hiện. Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng thường có các cuộc đối thoại với các ngành, các cấp, các tổ chức chính trị xã hội. Qua đối thoại, nhiều việc bày ra và giải pháp giải quyết được đúc kết, kết luận ngay tại cuộc đối thoại. Từ đối thoại mới nhận ra lâu nay các ngành, các cấp chưa thực thi tốt chức trách, nhiệm vụ của mình. Chuyện chèo kéo, đu bám du khách chẳng hạn. Đó là trách nhiệm của ngành văn hóa, du lịch, thể thao. Tại sao họp hành miết mà không thực hiện được? Phải có đường dây nóng cho du khách phản ảnh. Có việc là ngành du lịch văn hóa phối hợp với ngành công an giải quyết ngay, giải quyết nhanh. Không chỉ là du khách mà nhân dân, cán bộ thấy ở đâu, điểm du lịch nào có “hiện tượng khó chịu” ấy thì báo ngay cho đường dây nóng. Đường dây nóng phải có bộ phận nóng để giải quyết. Làm thật mạnh và làm quyết liệt chứ cần gì giao ban, họp hành cho nhiều về một sự việc đơn giản ấy.

Trên Tuyên Quang có huyện Hàm Yên mỗi quý Thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND tổ chức đối thoại trực tiếp với công dân tại xã. Qua đối thoại đã giải quyết tốt những bức xúc phát sinh từ cơ sở, đồng thời nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Đối thoại cởi mở với nhân dân, tinh thần làm chủ của nhân dân được phát huy; năng lực, phẩm chất của cán bộ, đảng viên có môi trường rèn luyện, xứng đáng là công bộc của nhân dân.

Chiến Hữu-Văn Chính
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top