Hãy khoan bàn tới nhà cổ ở Bao Vinh, Chi Lăng hay các phủ đệ nằm rải rác ở nhiều nơi trong thành phố, xung quanh những ngôi nhà tạm gọi là “nhà tây” cũng đã và đang đặt ra nhiều vấn đề đáng để suy nghĩ. So với những ngôi nhà cổ truyền thống, “nhà tây” không chỉ có thời gian xây dựng gần nay hơn, kiểu kiến trúc mới lạ hơn mà kỹ thuật xây dựng cũng tân tiến nên có tuổi thọ lâu hơn và an toàn hơn. Thế nhưng, do không có được kết cấu kỹ thuật bê tông cốt thép hiện đại nên độ bền và nhất là khả năng chịu lực của các công trình vẫn là điều đáng bàn. Trong thực tế, nhiều “nhà tây” ở Huế vẫn đang được sử dụng. Bên cạnh những biệt thự là nhà ở, nhiều công trình là trường học, là công sở. Việc chỉnh trang, tu sửa chủ yếu chỉ là ở bên ngoài giúp cho công trình đỡ cũ kỹ, rách nát do bị ảnh hưởng và tác động bởi thời gian.
Cách nay không lâu, chuyện tòa biệt thự 107 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội bị sập đổ khiến dư luận bàn tán nhiều. Nhà đổ, người gặp nạn và chết ngay giữa thành phố, ai mà chả sợ, chả lo. Người Huế lại càng xôn xao và lo lắng hơn. Bởi lẽ, trông người lại nghĩ đến ta. Đi tìm nguyên nhân khiến tòa nhà ở Hà Nội bị đổ sụp, người ta nhanh chóng nhận rõ nguyên nhân chính mà ngay cả bằng mắt thường ai cũng rõ, đó là công trình đã qua sử dụng nhiều năm (xây dựng năm 1905) nay đã xuống cấp. Bên cạnh đó có nguyên nhân là thời tiết trước đó mưa liên tục dẫn tới tình trạng tòa nhà bị thấm nước, giảm khả năng chịu lực và dẫn tới đổ sập như một tất yếu. Đó cũng đang là những tác động mang tính thách thức đối với những ngôi “nhà tây” ở Huế. Nếu tính đến yếu tố thời tiết thì khả năng tác động tại Huế lại càng lớn hơn nhiều khi vùng đất này có mùa mưa bão kéo dài trong năm với những hậu quả khôn lường.
Dù không còn là chủ sở hữu, không còn vai trò và trách nhiệm quản lý đối với các tòa biệt thự và công trình xây dựng dân dụng do chính họ xây dựng, nhưng cách nay không lâu, người Pháp vẫn gửi thư tới Việt Nam để thăm hỏi về việc kiểm định chất lượng cũng như các biện pháp duy trì, đảm bảo an toàn đối với các công trình kiến trúc, trong đó có nhiều công trình ở Huế, có tuổi thọ hàng trăm năm. Ở Thừa Thiên Huế, gần đây cũng đã có những thống kê, khảo sát và đánh giá lại chất lượng các công trình “nhà tây”, qua đó có những biện pháp xử lý thỏa đáng. Tuy nhiên, có vẻ như vấn đề đang mới chỉ nằm ở trên giấy do gặp phải khó khăn từ nhiều phía, chủ sở hữu, mục đích sử dụng, nguồn vốn đầu tư và cả cách tu sửa, tôn tạo như thế nào cho hợp lý.
“Nhà tây” hay bất kỳ loại nhà gì cũng đều có hạn sử dụng, dùng lâu, lại phải tuế nguyệt nắng mưa dãi dầm nên hư hỏng là chuyện bình thường. Giữ lại hay xóa bỏ những công trình “hết đát” phải đều xuất phát từ thực tiễn. Nó là sự thể hiện tầm nhìn, tư duy và cách ứng xử có văn hóa của người đương thời. Vấn đề là cách xử lý, phải nhanh, rõ ràng, hợp lý và có trách nhiệm.