Song, đối với dân ta, nói chung phần lớn đều mặc định tâm lý rằng khách tây giàu có, văn minh hơn ta nhiều lắm. Giàu, tất nhiên. Vậy người ta mới rủng rẻng tiền bạc đi du lịch. Văn minh, cũng hẳn. Bởi họ là người của các đất nước phát triển, còn ta thì vẫn ở thời kỳ đang phát triển. Thế cho nên, một đôi người đi tây về sinh ra sính ngoại. Hở chút là tây thế này, tây thế khác. Đến nỗi các danh hài đất bắc có thời đã “mần” luôn một tiểu phẩm về đề tài này. Trong tiểu phẩm ấy, lão nghệ sĩ Phạm Bằng đã “phong” quả dưa hấu thành “nho làng ta” mà chắc là nhiều người còn nhớ.
Lan man chút hơi xa đề, xin trở lại chuyện tây sang xứ ta bây giờ đã bình thường... như cơm bữa. Nhưng không vì thế mà dân ta xem thường khách. Vẫn như trước, khách tây vẫn...tây, vẫn giàu có, vẫn văn minh lịch thiệp trong mắt dân ta. Tuy nhiên, bàn tay có ngón ngắn ngón dài, dù không nhiều nhưng đáng buồn là tây sang ta vẫn có nhiều “ông tây” trời ơi đất hỡi. Tây lừa đảo khách sạn, ATM, chôm chỉa, bôi bẩn di tích, ăn mặc luộm thuộm thiếu văn minh lịch sự khi vào nơi tôn kính... Và hình như, chỉ trừ những trường hợp quá quắt, phạm phải luật hình sự thì mới bị xử lý (một số vụ đã được lên báo); còn lặt vặt thì hình như được... lơ cả.
Ở đất du lịch như Huế, khách tây đổ về gần như quanh năm, may mắn là chưa nghe vụ nào quá đáng, tuy nhiên, riêng về vi phạm luật lệ giao thông thì xem chừng không thiếu. Tôi sống trên tuyến đường dẫn đến các di tích nên rất hay bắt gặp tình trạng khách tây thuê xe máy chạy ào ào trên đường không mũ bảo hiểm; đường Điện Biên Phủ ghi cấm đi ngược vẫn được tây cho... khoai, điềm nhiên lưu thông như chỗ không người. Đừng nói biển cấm của Việt Nam tây không hiểu nhé, đấy là ký hiệu quốc tế, tây càng văn minh, càng phải hiểu hơn ta. Đôi lúc bắt gặp những trường hợp như vậy, lòng tự ái dân tộc lại nổi lên. Hay là họ...khinh ta, cho rằng xứ Việt mình kém văn minh nên không cần phải chấp hành luật lệ, chỉ khi về lại xứ họ thì họ mới có nghĩa vụ chấp hành (?!!)
Quốc có quốc pháp, gia có gia quy. Nhà nào cũng có quy định của gia tộc mình, quốc gia nào cũng có pháp luật của quốc gia mình. “Quốc pháp” ấy, “gia quy” ấy là thứ thiêng liêng, không ai có quyền và được phép xâm phạm, kể cả các thành viên trong gia tộc, trong đất nước và kể cả “khách đến chơi nhà”. Nhìn sang người bạn Singapore bên cạnh mà xem, dù là khách trời đi nữa, vi phạm quy định là a lê, phạt roi, phạt tiền, phạt lao động công ích. Không lôi thôi! Khách đến chơi, tôi trân trọng, quý mến. Nhưng ngược lại, tôi cũng có quyền đòi hỏi anh phải tôn trọng tôi. Đó mới là cách ứng xử văn minh với nhau. Trộm nghĩ như vậy...