ClockThứ Năm, 06/12/2012 05:54

Tự giác và kiểm tra sau tự phê bình

TTH - Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tiến hành tự giác kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) đã khơi dậy sức chiến đấu mới trong Đảng, tạo niềm tin trong nhân dân. Sau đợt kiểm điểm của Trung ương Đảng, các tổ chức Đảng từ các tỉnh, thành, các bộ, ban, ngành tiến hành kiểm điểm trên tinh thần nghiêm túc, cầu thị, tìm ra những nguyên nhân yếu kém, tồn tại, khuyết điểm của tổ chức Đảng và cá nhân trong điều hành, quản lý, tổ chức thực hiện các nghị quyết, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Đợt sinh hoạt chính trị lần này làm cho toàn Đảng, toàn dân nâng cao ý thức trách nhiệm tập trung vào nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần NQTƯ 4, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đó là từng tập thể tự giác nhìn ra khuyết điểm tồn tại để có hướng khắc phục, sửa chữa một cách nghiêm túc, có giải pháp và lộ trình cụ thể. Với cá nhân, tính tự giác trong kiểm điểm làm cho mỗi đảng viên thấy rõ trọng trách của mình, đồng thời có kế hoạch hoàn thiện bản thân xứng đáng là người đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam tiên phong, gương mẫu, tận tụy với công việc phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân.

Kiểm điểm cá nhân đảng viên đã đi sâu vào từng nội dung mà nghị quyết nêu, gắn với chức trách nhiệm vụ của mỗi người. Từ đó thấy rõ những khuyết điểm, những vấn đề nổi cộm ở tổ chức, cơ quan, đơn vị mình và từng cá nhân chịu trách nhiệm.

Kết quả bước đầu cho thấy, nhiều cấp bộ Đảng thực hiện khá nghiêm túc. Thế nhưng vẫn còn những tổ chức Đảng chưa nhận thức sâu sắc, đã tiến hành kiểm điểm chưa đúng và đạt yêu cầu của tinh thần NQTƯ4 đề ra. Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến việc thực hiện nghị quyết chưa đạt yêu cầu là do trong chỉnh đốn Đảng, không ít đảng viên, nhất là người đứng đầu chưa thực sự tự giác kiểm điểm, còn né tránh, thậm chí tô hồng thành tích, nặng thanh minh, giải trình vụ việc. Tự kiểm điểm như vậy chẳng những không phát huy được trí tuệ, tính chiến đấu của đảng viên mà còn nảy sinh thói a dua, nịnh bợ... Đối với Thừa Thiên Huế, biểu hiện kiểm điểm của tổ chức Đảng và cá nhân đảng viên chưa thật nghiêm túc là có. Có nơi, Tỉnh ủy yêu cầu phải chuẩn bị lại hoặc phải tổ chức kiểm điểm lại; có nơi, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy phải tiến hành kiểm tra để tổ chức Đảng ở nơi đó kiểm điểm nghiêm túc theo tinh thần mới của Đảng.

Từ thực tế ấy, cần nhận ra điều quan trọng sau đợt kiểm điểm lần này là việc triển khai kế hoạch sửa chữa khuyết điểm của tổ chức và cá nhân. Thấy rõ khuyết điểm là điều quan trọng, sửa chữa khuyết điểm là điều quan trọng hơn. Trong sửa chữa khuyết điểm, tính tự giác và tính kiểm tra của tổ chức Đảng, cá nhân đảng viên là khâu then chốt làm cho tổ chức Đảng và đảng viên tiến bộ lên, vững vàng hơn trước yêu cầu, nhiệm vụ mới.

Tính tự giác đòi hỏi từng tổ chức, cá nhân phải thật sự nghiêm khắc với chính mình, tự chữa bệnh cho mình. Chỉ có cá nhân đảng viên khi thấy khuyết điểm, tự mình sửa chữa thì kết quả đem lại mới cao. Không nghiêm khắc, lơ là xem nhẹ biện pháp khắc phục rất dễ vấp lại sai lầm, khuyết điểm. Tất nhiên khi va vấp lại thì khó bề đứng dậy.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Kỷ luật Đảng là kỷ luật sắt nhưng phải mang tính tự giác. Tính tự giác làm cho tình đồng chí gần gũi nhau hơn, nhân văn hơn, làm cho sự thống nhất, đoàn kết trong Đảng cao hơn. Xử lý kỷ luật là cần thiết nhưng chưa chắc hiệu quả bằng tính tự giác kiểm điểm và tính tự giác khắc phục sai sót. Tổng Bí thư ví von, hãy nhóm lửa lên. Tất nhiên trong bếp lửa đang nhóm có loại củi khô, củi vừa, củi xanh. Lửa nhóm đều lên rồi loại củi nào cũng cháy đều...

Sau tính tự giác của tổ chức, cá nhân đảng viên là tính kiểm tra, giám sát. Ai cũng thừa nhận rằng, nhờ kiểm tra giám sát mà sớm đánh giá đúng việc của tổ chức Đảng và đảng viên. Kiểm tra, giám sát nhằm ngăn ngừa khuyết điểm lúc mới manh nha để kịp thời nhắc nhở, khắc phục ngay. Kiểm tra, giám sát để mọi vấn đề được công khai, minh bạch, tránh che giấu sai phạm hoặc xử lý nội bộ khi có vấn đề sai sót. Làm như vậy, mọi sai phạm đều được cân nhắc làm rõ, dân chủ, minh bạch làm cho mọi người cùng thấy, mọi người cùng sửa chữa. Ai khuyết điểm đến đâu tự sửa chữa đến đó. Tùy theo mức độ sai phạm để có chế tài khắc phục bằng nhiều hình thức khác nhau.

Sau khi các tổ chức Đảng, đảng viên kiểm điểm và đề ra phương hướng sửa chữa khuyết điểm; công tác kiểm tra, giám sát kế hoạch sửa sai của tổ chức Đảng và đảng viên là hết sức quan trọng. Nó đánh giá giám sát việc thực hiện sửa chữa đến đâu, nói có đi đôi với làm không, hiệu quả ra sao để cho nhân dân lấy đó mà củng cố niềm tin và cùng góp ý với Đảng.

Kiểm tra, giám sát để chỉ ra cái xấu cần loại bỏ, cái tốt cần phát huy. Kiểm tra, giám sát nhằm hướng đến cái thiện, cái tốt đẹp. Chỉ ra được tồn tại của tổ chức Đảng và đảng viên là bảo vệ cho tổ chức và đảng viên đó. Kiểm tra, giám sát tốt sẽ góp phần xây dựng phẩm chất đạo đức cho đảng viên, góp phần ngăn ngừa, cảnh báo sai phạm; giúp tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh.

Tính tự giác và tính kiểm tra có mối quan hệ mật thiết. Tự giác tốt thì kiểm tra là công việc bình thường. Tự giác kém thì tính kiểm tra là liều thuốc đặc hiệu.

Chiến Hữu-Văn Chính
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top