Uy tín là sự mến phục của mọi người đối với cá nhân cán bộ, nó phản ảnh năng lực, phẩm chất của người cán bộ trong thực thi công việc. Qua quan hệ công tác người cán bộ có uy tín thường được đồng nghiệp, cấp trên và nhân dân đánh giá, ông ấy là người có chuyên môn giỏi, không có tì vết về phẩm chất đạo đức, quan hệ gần gũi, hòa nhã với mọi người, luôn đặt lợi ích chung lên trên lợi ích riêng.
Nói thì rất dễ nhưng trong thực tiễn công tác tìm được mẫu người cán bộ như vậy không phải là điều quá dễ. Đơn giản là để có được uy tín đòi hỏi người cán bộ phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện. Uy tín là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố thuộc về sự phấn đấu nội tại của con người trên cả hai mặt phẩm chất và năng lực.
Người đời thường đánh giá một cán bộ có năng lực với những nhận xét như, ông ấy có học thức cao, năng lực quản lý giỏi, có tầm hiểu biết sâu rộng. Quan trọng hơn, ông ấy có cuộc sống gương mẫu, mực thước, sống trong sạch, tận tụy, khiêm tốn. Những tố chất ấy là những yếu tố căn bản cho người cán bộ thực thi nhiệm vụ phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Tiếc rằng, trong tình hình hiện nay, số cán bộ, công chức trong các cơ quan Nhà nước, các tổ chức đoàn thể đạt được những tố chất ấy chưa nhiều. Một số cán bộ không chịu tu dưỡng, rèn luyện, bằng lòng với công việc hiện tại nên chưa tạo được uy tín cá nhân trong thực thi công vụ. Đáng nói hơn chính những cán bộ này thường coi nhẹ mối quan hệ với nhân dân, quan liêu, sách nhiễu nhân dân, gây mất niềm tin trong quần chúng.
Uy tín cá nhân không phải từ trên trời rơi xuống. Uy tín cá nhân có được từ sự rèn luyện bền bỉ của người cán bộ. Muốn có uy tín, người cán bộ phải giành lấy nó bằng chính tài năng, đạo đức, nghị lực, bằng ảnh hưởng tư tưởng và hành động thực tế của mình chớ không chỉ dựa vào danh hiệu và chức vụ. Thực tiễn công tác, hoạt động của cán bộ cho thấy nhiều cán bộ được nhân dân đánh giá là có uy tín cả về năng lực và phẩm chất. Nhưng trước cám dỗ của tiền tài, vật chất, trước tác động của cơ chế thị trường, chỉ cần xao nhãng việc trui rèn đạo đức phẩm chất, họ đã sa ngã. Từ một cán bộ có uy tín chuyển hóa thành một cán bộ mất uy tín.
Đã có uy tín cần gìn giữ uy tín và nâng cao hơn nữa uy tín cá nhân là mục tiêu hướng thượng của người cán bộ cách mạng.
Trong thời điểm chúng ta đang phấn đấu học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, hơn lúc nào hết mỗi cán bộ, đảng viên phải nâng cao nhận thức và có chương trình hành động học tập phong cách của Bác Hồ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Không phải ta cứ viết lên trán chữ “Cộng sản” mà được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước.
Cán bộ có uy tín thường được lan truyền những nhận định, đánh giá tốt ở trong nhân dân. Nhờ có uy tín mà cán bộ được tổ chức cất nhắc, giao thêm nhiệm vụ, chức vụ. Uy tín là cái quyết định cho sự thăng tiến của người cán bộ. Khi uy tín mất đi thì theo quy luật, chức vụ trước sau cũng mất theo. Có người cho rằng nhiều cán bộ không mấy uy tín nhưng cũng chức này chức nọ đó sao? Đúng thế, hiện nay có nhiều cán bộ chưa, thậm chí không có uy tín nhưng đang giữ nhiều cương vị quan trọng. Đáng suy nghĩ về thực tế ấy, dù có chức vụ nhưng trong tập thể cơ quan cấp dưới không phục, thậm chí ở đâu họ cũng ngồi bình phẩm về người lãnh đạo của mình. Xót xa hơn là nhân dân đang xem thường một số cán bộ cho dù có chức vụ nhưng không có uy tín đối với nhân dân.
Chức vụ hiện hữu trong công việc còn uy tín thì lan truyền trong nhận định của quần chúng nhân dân. Chức vụ tồn tại hữu hạn còn uy tín thì lưu danh trường tồn. Từ ý nghĩa đó chúng ta thấy mối quan hệ giữa chức vụ và uy tín như là mối quan hệ giữa hình thức và nội dung.
Trong đội ngũ cán bộ hiện nay, khi có một chức vụ, có người ngộ nhận mình có uy tín. Đây là dạng cán bộ luôn tỏ ra mình là nhân vật quan trọng, không chịu trau dồi uy tín. Có dạng cán bộ tạo dựng uy tín bằng việc ve vãn, công kích, nói xấu, hạ uy tín người khác, xum xoe với cấp trên tạo uy tín ảo.
Đã là cán bộ cần hiểu rất rõ uy tín hình thành và phát triển theo con đường nào. Xin thưa, uy tín tất yếu phải do phẩm chất, năng lực của cá nhân cán bộ quyết định thể hiện ở các yếu tố: chuyên môn giỏi, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; khả năng tổ chức hoàn hảo; có quan hệ bình đẳng, dân chủ, coi trọng sức mạnh tập thể; cởi mở với mọi người; tính chiến đấu cao; tự phê bình, nhận khuyết điểm và sẵn sàng sửa chữa khuyết điểm; không tranh công đổ lỗi... Cán bộ có uy tín là người biết lắng nghe, kể cả những ý kiến nói trái. Cán bộ uy tín là người không tự ái, không bảo thủ, thành kiến...
Rèn luyện để có uy tín đã khó. Giữ được uy tín càng khó hơn. Ai cũng hiểu được trong mỗi con người có cả cái tốt và cái xấu. Vượt qua cái xấu để vun đắp cái tốt trong con người đòi hỏi cần có ý chí và nghị lực.