ClockThứ Năm, 10/10/2013 05:25

Vân Thê có phủ Ông Tướng

TTH - Chuyện xưa lưu truyền, Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần (1619-1667) có người con trai thứ tư là Nguyễn Phúc Thuần.

Người mới 20 tuổi đã được tướng sĩ đồng thanh và được Hiền Vương phong làm Nguyên súy thống lĩnh quân Nguyễn, nổi tiếng qua trận chiến kéo dài từ tháng 7/1672 đến tháng 3/1673 khiến quân Trịnh phía Bắc không thể đánh thắng, phải đồng ý bãi binh, lấy sông Gianh làm ranh giới, mở đầu cho thời kỳ lịch sử Đàng Ngoài - Đàng Trong. Yên việc chiến chinh, Phúc Thuần giã từ thế sự về làng Vân Thê cách kinh thành Huế chừng 8 cây số, làm ngôi chùa nhỏ thờ Phật, không tiếp khách, không bàn chuyện đời nữa. Không may, một cơn bạo bệnh đã giết chết ông khi tuổi mới 23. Để rồi chừng 2 thế kỷ sau, hậu sinh và là người cháu 8 đời của Nguyễn Phúc Thuần là đại danh tướng Tôn Thất Thuyết, thời làm đại thần triều Nguyễn đã bỏ tiền xây dựng phủ thờ thành một nơi an dưỡng để những lúc mệt mỏi trở về nghỉ ngơi. Phủ thờ được dân gian quen gọi là phủ Ông Tướng, tướng Thuần ngày xưa anh dũng chống Trịnh và tướng Thuyết uy danh trong đánh Pháp, nằm bên dòng sông Như Ý đã trở thành biểu tượng và là niềm tự hào của vùng đất Vân Thê. Người đời kể lại, sau chính biến 1885 Tôn Thất Thuyết phò tá vua Hàm Nghi xuất cung ra Tân Sở, thực dân Pháp và tay sai đã cho người về Vân Thê phá phách để thỏa lòng căm giận.

Cũng một thế kỷ nữa đi qua, lại có một hậu duệ của Nguyễn Phúc Thuần, ông là Tôn Thất Cử. Dưới bóng tiền nhân là những “ông Tướng”, ông Cử năm nay ngoài 80 tuổi chỉ là một con dân bình thường của làng quê nghèo ven Huế. Vậy nhưng, ông Tôn Thất Cử là người đã gần như suốt cả cuộc đời gắn bó với phủ thờ Ông Tướng bằng một tấm lòng son. Đầu năm 1947, khi phủ thờ bị triệt hạ bởi chiến tranh, chính ông Cử đã âm thầm thu gom, cất giữ lại từng chiếc cột kèo để sau đó vào năm 1954 dựng lại phủ. Không còn bóng dáng huy hoàng của ngày xưa, phủ Ông Tướng dựng lại phải bỏ chái hai đầu, thay ngói âm dương bằng tôn thiếc và được thay bằng tôn phi-bờ-rô-xi-măng. Còn nhớ, hơn 20 năm trước, lần đầu tiên thăm phủ Ông Tướng, tôi đã gặp ông Tôn Thất Cử. Câu chuyện xoay quanh phủ thờ cứ cuốn hút cả hai. Trong buổi sáng ban mai của một ngày hè, nhìn phủ thờ tu sửa tạm bợ, tối tăm và vườn phủ hoang phế bị chiếm dụng bởi những kẻ kém hiểu biết, tôi nhớ mãi tâm nguyện của ông Cử bấy giờ mong ước được tu sửa lại phủ và cải táng mộ cụ Phụ chính đại thần bên Tàu về nước để ngày đêm hương khói cho Người.

Còn về Vân Thê lần này, tôi được chứng kiến một diện mạo mới của phủ Ông Tướng. Cách nay hơn 10 năm, cổng phủ và trụ biểu đã được tôn tạo. Còn mới đây thôi vào năm 2012, bằng sự đóng góp chủ yếu của con cháu họ tộc, phủ thờ được tu sửa lại khang trang, tôn nghiêm và có được hòa nhập với cảnh trí thiên nhiên và gợi nhớ bóng dáng xưa cũ của một thời. Gặp lại ông Cử giờ nở nụ cười thật tươi, già trẻ lại hàn huyên câu chuyện của 20 năm trước. Ông Cử dẫn tôi đi một vòng khắp phủ, rồi dừng lại bên hiên phủ thờ. Ông bảo, bộ đồ gỗ xưa cũ bằng gỗ lim ông cất giữ rất kỹ mấy chục năm nay đem ra dựng lại, nhóm thợ làm ngại khó và muốn bày kiểu khác ông bực mình đuổi thẳng. Dừng lại một trụ nhà còn lưu lại dấu vết chiến tranh, có kẻ đòi thay ông bảo không, vì theo ông đó là dấu tích xưa cần phải lưu lại để nhắc nhở con cháu muôn đời. Tu sửa không phải là làm mới hết thảy mà phải biết bảo tồn. Ông Cử lại khoe cái lư trầm suýt bị đánh cắp khiến ông cứ sợ mang tiếng không chu toàn. Tôi nghe chuyện mà giật mình thấm thía. Chính tấm lòng thành và sự tự hào sâu sắc với dòng họ, tiên tổ đã gắn bó ông Cử với phủ thờ Ông Tướng của dòng tộc. Tôi cũng được biết, có người cháu ngoại của Tôn Thất Thuyết tên là bà Thuần Hoa, tuổi đã ngoài 90, nguyên là sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam đang sống ở Hà Nội có nguyện vọng về việc xây riêng cho ông ngoại một nhà thờ trong khuôn viên phủ Ông Tướng. Trôm nghĩ, công trình triển khai và hoàn thành sẽ tạo nên một dung mạo mới ấm cúng và dày dặn hơn cho phủ thờ.

Đường từ Huế về Vân Thê qua phủ Ông Tướng quanh co, đi qua bao phố phường, làng mạc, cánh đồng, những con sông và con hói là những trải nghiệm lạ cho những ai khát thèm sự tĩnh lặng nơi miền thôn dã. Không xa phủ thờ Ông Tướng là cầu ngói Thanh Toàn đã đi vào hoài niệm và nỗi nhớ bao người. Tôi biết, bao năm nay cũng đã có rất nhiều người đi theo hành trình của tôi sáng nay, đi để tìm tòi, để khám phá và cũng để trải nghiệm về dấu ấn lịch sử, thân phận và suy tư của những tâm hồn lớn. Và tôi như bắt gặp ở dáng hình hiền hậu của hậu duệ Tôn Thất Cử bóng dáng của cụ tổ Nguyễn Phúc Thuần trong phút giây kinh kệ, cố gắng lãng quên bao bon chen, dục vọng của đời thường cũng như hình ảnh ông tướng Thuyết mạnh mẽ trong cảm giác mệt mỏi, muốn đi tìm sự lãng quên nơi chốn làng quê. Để rồi, bỗng ngân nga trong tôi là điệp khúc như một lời chào mời da diết: “Vân Thê có phủ Ông Tướng”.

Đình Nam
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top