Tại “Hội nghị giao ban trực tuyến về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông quốc gia” tháng 9-2012, Chủ tịch UBATGT quốc gia đánh giá tình hình tai nạn giao thông trên cả nước giảm trên cả 3 tiêu chí, tuy nhiên vẫn diễn ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, tai nạn giao thông vẫn là mối lo ngại của toàn xã hội.
Hội nghị này đã tập trung phân tích những nguyên nhân khách quan như cơ sở hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế, mật độ phương tiện tham gia giao thông với nhiều chủng loại, số lượng lại tăng, làm cho giao thông ùn tắc. Nguyên nhân chủ quan vẫn còn một số cấp ủy, chính quyền địa phương, lãnh đạo các ban ngành chưa thường xuyên quan tâm chỉ đạo công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về giao thông triển khai chưa đồng bộ và chưa có trọng tâm, trọng điểm, còn dàn trải. Đáng chú ý là việc phát hiện xử lý các hành vi vi phạm chưa quyết liệt và triệt để. Ý thức chấp hành luật lệ giao thông của người tham gia giao thông kém. Phóng nhanh, giành đường, vượt ẩu, điều khiển phương tiện giao thông không đội mũ bảo hiểm, điều khiển phương tiện giao thông trong trạng thái có uống rượu bia... là vi phạm cố hữu trên các tuyến đường giao thông.
“Năm An toàn giao thông”, chúng ta cùng suy ngẫm, cùng bàn cách làm để đảm bảo tốt tình hình trật tự an toàn giao thông. Phải thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ hơn nữa trong toàn bộ hệ thống chính trị để đẩy lùi cho được tai nạn giao thông. Việc làm thường xuyên là tổ chức các đợt tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành luật lệ giao thông cho toàn thể cán bộ, công nhân viên, hội viên, học sinh, sinh viên, đoàn viên, nhân dân. Từ những đợt tuyên tuyền đó, vận động người thân, gia đình, tổ dân phố phát động thi đua cam kết không vi phạm luật lệ giao thông tạo hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng xã hội. Đây là việc làm thường xuyên, chọn thời điểm làm từng đợt đến cao trào, len vào chiều sâu của nhận thức làm cho cộng đồng ý thức được vấn đề, tạo nếp văn hóa giao thông trong suy nghĩ của mỗi người, xác lập tính tự giác khi tham gia giao thông. Làm sao để mọi người cùng lên án việc chen lấn, vượt ẩu, giành đường, lạng lách, đánh võng... khi tham gia giao thông.
Bên cạnh việc tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức chấp hành luật lệ giao thông, cần tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm luật lệ giao thông. Các cấp, các ngành, đoàn thể xã hội tổ chức tốt kế hoạch liên ngành để bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Với những vụ vi phạm luật lệ giao thông gây hậu quả nghiêm trọng, cần điều tra làm rõ, tổ chức xét xử lưu động để cảnh báo, giáo dục chung trước cộng đồng xã hội.
Những năm qua, Nhà nước và nhân dân đã có nhiều cố gắng để cải tạo và xây dựng hệ thống giao thông như nâng cấp Quốc lộ 1A, đưa đường Hồ Chí Minh vào sử dụng, thành phố nào cũng hoàn thành xây dựng đường tránh qua thành phố, nhiều cầu mới, hiện đại được khánh thành để phân luồng giao thông. Tuy vậy, so với sự phát triển, số lượng phương tiện giao thông tăng nhanh, chất lượng phương tiện cũng như thái độ của người điều khiển, người tham gia giao thông với ý thức kém đang là báo động đỏ cho toàn xã hội.
Hơn lúc nào hết, chúng ta phải coi trọng việc xây dựng văn hóa giao thông. Có nghĩa là phải xây dựng văn hóa ứng xử cộng đồng trong tham gia giao thông với tinh thần tự giác và có trách nhiệm để bảo đảm môi trường giao thông an toàn, văn minh theo đạo lý của người Việt Nam. Đất nước ta đang đi vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Song song với xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật phải xây dựng hạ tầng văn hóa, trong đó ý thức, nếp văn hóa của con người trong tham gia giao thông là hạ tầng văn hóa cơ bản.
Nước Lào đất rộng người thưa. Khi ra đường họ biết nhường nhịn nhau, ứng xử có văn hóa trước cộng đồng. Trong lĩnh vực tham gia giao thông, họ không có chen lấn, luôn lấy luật pháp làm đầu. Qua các đoạn đường có đèn xanh, đèn đỏ, dù không có loại xe nào qua lại vào lúc đường vắng, người điều khiển phương tiện giao thông vẫn tự giác dừng lại khi thấy tín hiệu đèn đỏ. Đó là văn hóa giao thông đã hằn sâu trong nếp nghĩ của con người.
Khi mọi người tham gia giao thông với đầy đủ ý thức văn hóa ứng xử thì nền tảng văn hóa giao thông đã định hình. Đây là yếu tố căn bản giảm tải tai nạn giao thông. Xây dựng nếp văn hóa giao thông là công việc khó và lâu dài, đi từ gia đình, nhà trường ra ngoài xã hội, là công việc phải làm ngay từ đầu, làm thường xuyên và lâu dài.