Thi thoảng có bạn bè đến Huế, chúng tôi lại thường đãi khách món đặc sản bánh nậm -lọc trên đường Võ Thị Sáu. Cái quán bé tẹo, đơn sơ nhưng nườm nượp khách. Không chỉ phục vụ tại chỗ, mỗi ngày, rất nhiều kiện bánh tại đây được chuyển đi các nơi khác theo đơn đặt hàng. Mỗi thùng bánh trị giá tiền triệu.
Đến nay, hình như vẫn chưa có sự đánh giá cụ thể nào để biết, nhờ ăn theo du lịch, mỗi năm, Huế đã xuất khẩu được bao nhiêu đặc sản tại chỗ. Chỉ riêng thương hiệu mắm Cô Ri ở chợ Đông Ba, mỗi ngày cũng thu hút nườm nượp du khách đến xếp hàng, cả khách Tây lẫn khách ta. Rồi mè xửng, nón lá... Chỉ riêng đặc sản mè xửng, đã có đến hàng chục cơ sở sản xuất.
Có lẽ bởi cái hiệu quả xuất khẩu tại chỗ ấy mà du lịch được mệnh danh là ngành công nghiệp không khói. Cùng với nó là sự ra đời những dịch vụ đi kèm, đem lại công ăn việc làm, thu nhập xã hội. Rất quan trọng nhưng xem ra, việc định hướng đầu tư vào dịch vụ phục vụ ngành công nghiệp không khói gần như vẫn thả nổi, tự phát.
Trong câu chuyện cách đây chưa lâu, một lãnh đạo Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch trăn trở: Huế còn nhiều đặc sản lắm. Như mứt gừng, hạt sen, bánh ít... Nhưng cũng chỉ kinh doanh nhỏ lẻ theo hộ gia đình. Chưa hề có sự khuếch trương, quảng bá chính thống nào cho những đặc sản Huế ấy. Tại sao chúng ta không hỗ trợ quảng bá, đầu tư công nghệ để cho ra những sản phẩm đóng gói có thương hiệu, có chất lượng, có thể bảo quản dài ngày hơn, phân phối xa hơn?
Một câu hỏi rất cụ thể nhưng lại gợi đến một vấn đề lớn hơn. Đó là chủ trương, chiến lược, kế hoạch... để phát triển hàng hóa phục vụ xuất khẩu tại chỗ. Chưa có kế hoạch nào như thế được đặt ra, trong khi đó, trong gói doanh thu du lịch của Huế lâu nay, tỷ trọng dịch vụ, bao gồm cả bán sản phẩm du lịch đang chiếm tỷ trọng rất thấp. Diện mạo du lịch Huế do đó hầu như chỉ nhìn thấy ở mảng lưu trú, với bao nhiêu khách sạn các hạng mà trên thực tế, nguồn thu từ đây cho ngân sách của tỉnh không được bao nhiêu với nhiều lý do, trong đó có lý do kinh doanh thua lỗ và tình trạng chây ì đóng thuế.