Cầm bài báo “Bia đá Đông Gia Kiều qua Nhật ký nghiên cứu Huế” viết tay nắn nót, rõ chữ rõ dấu; lật xem những tài liệu đính kèm, tôi hiểu vì sao anh nôn nao và “phải cố gắng viết”. Một tấm bia cổ, nhưng anh đã phải cả chục lần tới lui để đo, dập chữ, chụp ảnh, cộng tác làm phim… Những công việc này được Hồ Vĩnh làm tỉ mẩn, mê say, hoàn toàn tự nguyện. Những lần đến, anh đều ghi chép cẩn thận vào “Nhật ký nghiên cứu Huế” của mình. Sau này, thấy báo đưa tin bia đá Đông Gia Kiều đã được Trung tâm BTDTCĐ Huế tiếp nhận để nghiên cứu vị trí dựng lại, Hồ Vĩnh lập tức gọi điện hỏi han, giọng vui đến nhẹ nhõm…
Không chỉ có bia Đông Gia Kiều, mà còn rất nhiều những tấm bia cổ, nhiều di tích lịch sử, văn hoá cũng đã hằn in dấu chân của Hồ Vĩnh. Từ thuở hàn vi và khi còn rất trẻ, lúc quan điểm xã hội đối với “di tích phong kiến” còn chưa cởi mở, Hồ Vĩnh đã một mình một chiếc xe đạp cà tàng, cái túi xách, cây bút, chiếc máy ảnh cũ và… một đùm gạo ngày ngày nhẫn nại làm quen rồi dấn sâu vào “nghề” nghiên cứu bao giờ không hay biết. Không ai khiến, chẳng ai buộc, Hồ Vĩnh dấn thân chỉ để thoả niềm đam mê với di sản, với văn hóa Huế. Nghiên cứu với Hồ Vĩnh là phải đi điền dã, đến tận nơi, xem tận mắt chứ không chỉ ngồi đọc qua sách vở. Nghiên cứu di tích nào, anh đều đưa vào nhật ký, đều lập hồ sơ. Và từ những chuyến điền dã như vậy, nhiều bài viết, nhiều công trình nghiên cứu của anh đã ra đời, chung tay cho việc quảng bá, cho việc trùng tu, bảo tồn di sản. Bây giờ sức khoẻ không cho phép, nhưng văn hoá Huế, di sản Huế vẫn là máu thịt, là nỗi thao thức khôn nguôi trong anh.
Báo Nhân dân mới đây đã phát hiện hai chàng trai Hà Nội Nguyễn Hoài Nam và Ðào Ðức Minh cũng có niềm đam mê tương tự và gọi họ là “hiệp sĩ di sản”. Tôi nghĩ, “tước hiệu” ấy cũng hoàn toàn xứng đáng với Hồ Vĩnh của Huế. Lại ngẫm nghĩ, xứ Huế không chỉ có mỗi một Hồ Vĩnh mà còn rất nhiều những người khác nữa. Có thể họ ở nhiều lứa tuổi khác nhau, vị trí xã hội, vị trí công tác khác nhau, góc độ quan tâm khác nhau, nhưng tất cả đều có chung một điểm, đó là niềm đam mê, lòng trân trọng đối với di sản, đối với văn hoá mà tiền nhân bao thế hệ đã vun đắp, trao truyền. Những cái tên như Hồ Tấn Phan, Phan Thuận An, Trần Đại Vinh, Nguyễn Đắc Xuân, Trần Đình Sơn, Bùi Minh Đức, Nguyễn Hữu Thông, Dương Đình Vinh, Nguyễn Hữu Châu Phan, Thân Văn Huy, Thái Kim Lan, Hoàng Thị Như Huy, Triều Nguyên, Trần Đức Anh Sơn, … Với riêng tôi, họ đều xứng danh là “hiệp sĩ di sản”. Và di sản Huế, văn hoá Huế thật may mắn khi có một đội ngũ hiệp sĩ hùng hậu và đáng quý như vậy.