ClockThứ Năm, 11/12/2014 09:29

“Nhà của làng” sẽ đông và vui?

TTH - “Nhà của làng” là cách gọi nhà gươl, nhà rông và Dúng Klang (nhà moong) truyền thống của đồng bào người Cơ tu, Tà ôi và Pa kô ở hai huyện miền núi Nam Đông và A Lưới của TS Nguyễn Thị Sửu, Trưởng Ban dân tộc tỉnh. Tôi thích cách gọi này vì nó gợi lên sự ấm áp, cho dù đó là một định danh chưa phổ biến và có lẽ, còn phải thảo luận rất nhiều đi đến sự thống nhất chung.

Tuy nhiên, câu chuyện của chúng tôi ở đây lại bắt đầu từ một khía cạnh khác. Đó là những trao đổi và băn khoăn của rất nhiều người khi rất nhiều nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng dành cho đồng bào ở Nam Đông và A Lưới gần như không phát huy được hiệu quả. Những ngôi nhà được xây dựng mô phỏng theo “nhà của làng” thường khép cửa, ít người qua lại. Anh Dương Thế Hùng, Chánh Văn phòng HĐND tỉnh trong buổi thảo luận tại Ban Văn hóa xã hội mới đây cũng chia sẻ về vắng vẻ, về những khung ảnh bám đầy mạng nhện, về sự lỏng lẻo của các vật dụng ở bên trong mà anh tường tận những ngày cuối tháng 10 vừa qua...

Thực ra mà nói thì việc kiên cố hóa nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến năm 2007 đã được bắt đầu bằng một ý định tốt. Song trong quá trình thực thi, có thể do nóng vội, do là sự kết hợp của nhiều mục đích khác nhau như giảm nghèo; phát triển cây trồng, vật nuôi và tăng cường mạng lưới giáo dục ở vùng miền núi và do chưa có sự điều tra, nghiên cứu kỹ lưỡng phong tục tập quán của đồng bào... nên có nhà sinh hoạt ở các cụm dân cư mà người dân không thấy sự gần gũi; thấy không phải là nơi họ có thể nghỉ ngơi, vui chơi, tiếp khách những khi lễ hội, cũng không thể là nơi hẹn hò của các chàng trai, cô gái đến tuổi cập kê. Vì thế mà hệ thống nhà sinh hoạt này thường vắng vẻ cũng là điều dễ hiểu.

Việc khắc phục và làm thế nào để các “nhà của làng” ấm áp, đông vui hơn do vậy cũng là điều không dễ. Sẽ là không khó nếu chỉ trang thiết bị thêm phương tiện nghe, nhìn, đọc... nhưng để làm thế nào đồng bào thực sự yêu quý và gắn bó với thiết chế này có vẻ như cần một sự bắt đầu lại. Chẳng hạn như thay vì đầu tư trọn gói, có thể huy động thêm một khoản đóng góp bằng tiền, hoặc bằng ngày công của người dân trên một thiết kế có sự dung nạp, điều chỉnh hài hòa về chất liệu để nó vừa bền về công năng, lại thật sự là “nhà của làng” để người dân luôn có nhu cầu hướng về và tìm đến. Những thông tin mới trên các lĩnh vực hoạt động xã hội sẽ từ đó mà được đưa đến cho người dân một cách tích cực nhất.

Đồng ý với quan điểm này, Ban Dân tộc tỉnh cho biết là sẽ có những đề xuất với tỉnh, với chính quyền địa phương để có những hình thức thích hợp trong xây dựng, trong tổ chức sinh hoạt để các nhà sinh hoạt văn hóa sẽ thực sự là “nhà của làng”. Một thông tin hay là huyện A Lưới đã xây dựng đề án khôi phục 15 nhà rông, 3 nhà Gươl và 1 nhà Dúng Klang theo đúng nguyên trạng.

Hạnh Nhi
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Return to top