ClockThứ Tư, 23/09/2015 07:18

“Tinh thần xấu hổ”

TTH - Hãy xem việc hiểu và biết xấu hổ khi không tự giác chấp hành pháp luật giao thông như là một trong những “nấc thang” đầu tiên của tri thức, của văn minh, của lòng yêu nước.

Trưa đứng bóng, thấy con đạp xe đi học về mồ hôi nhễ nhại, chị chạy vội ra đỡ giúp con cái cặp, bật cái quạt máy rồi mang bịch nước mía mua sẵn cho con giải khát. Vừa âu yếm nhìn con thích thú thưởng thức món giải khát “đúng điệu” cho mùa nắng nóng, chị vừa hỏi han đủ thứ chuyện của con ở trường: hôm nay mấy tiết, có hiểu bài không, có kiểm tra không, có dong tay phát biểu không, bãi học lúc mấy giờ, đạp xe về theo “lộ trình” nào... Khi nghe thằng bé trả lời về nhà theo đường Điện Biên Phủ, chị giãy nảy:

- Sao con không lên theo lối Phan Bội Châu cho gần?
- Đường ấy cấm đi ngược chiều, mẹ.
- Ôi dào, mình đi xe đạp, lại con nít, ai bắt mà sợ.
- Nhưng ở đó có nhà thầy con.
- Thầy con thì đã sao?
- Thầy đã thường nhắc ra đường phải chấp hành luật giao thông, bây giờ đạp lên lối ấy, nhỡ gặp thầy, xấu hổ chết.
Nghe con nói, chị lúng túng rồi lảng qua chuyện khác. Vô tình được làm chứng nhân của câu chuyện, bỗng dưng tôi thấy vui vui. Mà vui nhất là ở chỗ cháu bé dùng từ “xấu hổ” chứ không phải là “sợ” khi gặp thầy giáo. Thầy dạy, ra đường không vâng lời, nhỡ thầy bắt gặp thì phải “sợ”, đó là phản xạ thường tình của lũ trẻ. Nhưng ở đây, cháu không sợ mà lại xấu hổ, ấy mới thú vị. Sợ, là tâm lý khiên cưỡng, bị ép mà buộc phải làm. Còn xấu hổ thì ngược lại, đó là thái độ tự giác. Cháu đã hiểu được rằng những điều thầy giáo căn dặn là đúng, là phải, là rất nên được làm theo. Nay vì chỉ gần một quãng đường mà vi phạm là điều mà cháu cảm thấy có lỗi với thầy giáo nên không muốn, không nỡ vi phạm.
Tiếc là vẫn còn khá nhiều học sinh không có được cái “tinh thần xấu hổ” như cháu. Thế cho nên, ra đường là có thể bắt gặp ngay cảnh học sinh, sinh viên vi phạm luật lệ giao thông với đủ hành trạng, từ không đội bảo hiểm cho đến chở ba chở bốn, dàn hàng năm hàng bảy, vượt đèn đỏ, chưa tới tuổi vẫn di xe máy, chen lấn, lách lạng ... 
Tai nạn giao thông (TNGT) luôn là vấn nạn của nước ta. Nỗ lực nhiều, cố gắng nhiều, đầu tư nhiều nhưng hiệu quả thu lại rất chậm và chưa tương xứng. Số người chết hàng năm vì TNGT vẫn là con số vạn! Người bị thương lại càng nhiều hơn! Di lụy cho xã hội là vô xiết kể. Một trong những nguyên nhân theo chúng tôi là việc giáo dục, tuyên truyền về pháp luật giao thông chưa “thấm”, tâm lý coi thường luật lệ giao thông vẫn còn phổ biến trong xã hội. Có thể đã chậm, nhưng vẫn còn hơn không. Hãy thực sự bắt tay vào việc giáo dục, rèn luyện cho học sinh, sinh viên hiểu và biết xấu hổ khi không tự giác chấp hành pháp luật giao thông. Hãy xem đó như là một trong những “nấc thang” đầu tiên của tri thức, của văn minh, của lòng yêu nước. Từ lớp trẻ mà tạo sự tỏa lan, lớp trẻ cũng sẽ là lớp người kế thừa, thay thế, làm chủ dần đất nước. Nếu không bắt tay ngay từ lúc này, chẳng biết đến bao giờ xứ ta mới thoát nỗi ám ảnh của TNGT, mới trở thành một đất nước văn minh sánh vai cùng các quốc gia khác trên thế giới?
Hiền An
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Return to top