ClockThứ Năm, 24/09/2015 15:23

Bánh canh của mẹ...

TTH - Quê tôi ở làng Thế Chí Tây (Điền Hòa - Phong Điền). Cái vùng Ngũ Điền này hồi ấy được liệt vào vùng đói nhất Thừa Thiên Huế.

Ba mẹ tôi đã về hưu, từ ngoài Bắc về quê sống. Mẹ tôi người Ninh Bình bắt đầu làm quen với cái đói, cái khổ và rất nhiều những cuộc cúng giỗ trong tháng. Và bà hòa nhập rất nhanh, kể cả việc nấu những món đặc trưng Huế, xứng đáng với vai trò dâu trưởng...

Về hưu nên có sổ gạo. Tháng nào cũng có giỗ nên mẹ tôi thường mua bột mì theo sổ để dành. Hồi ấy toàn bột mì xịn, mì Canada, không như mấy năm sau này, mì là bột mì sắn, hoặc không có, mà độn là ăn bằng bo bo. Ngoài Bắc, nhà tôi cũng ăn độn bột mì, mẹ khéo tay, làm đủ thứ bánh để ăn cho khỏi ngán, trong đấy có món canh mì sợi.

Cũng hồi ngoài Bắc, ba tôi rất lừ đừ và vụng, gần như không biết gì trong mọi việc nhà. Mọi việc một tay mẹ tôi lo. Nhưng từ khi về quê, ba tôi gần như là một người khác, hoạt bát và vô cùng khéo tay, trong đó đặc biệt là việc... bắt cá. Nhà có cái chậu đồng từ thời... cải cách ruộng đất, anh em tôi toàn tắm trong ấy, giờ nó được đặc cách để... sống cá, tức là nuôi cá trữ trong ấy.

Có lần tôi từ trường về, thấy trong cái chậu có cả chục chú cá lóc to oành. Mẹ tôi bảo lao động phơi nắng lội ruộng cả chục ngày qua của ba đấy. Ông đi nơm, và gần như hôm nào về cũng có cá. Mẹ lại bảo, ngày kia có giỗ, sống đấy để làm giỗ.

Sáng ấy, mẹ tôi ngào bột mì. Ngào thật khéo để nó không khô không ướt, rồi dùng cái chai cán mỏng ra, rồi lại lấy dao bài xắt sợi, tất nhiên không thể như sợi mì sợi, nhưng điều ấy không quan trọng, mà quan trọng là, làm sao để cả rổ mì thái sợi ấy không bết vào nhau.

Thì ra giỗ, mà tháng nào cũng có giỗ, có tháng vài ba cái, nên sau khi bàn với các cô, mẹ tôi làm bánh canh cá lóc bột mì. Tất nhiên không phải cái giỗ nào cũng thế, mà tùy tình hình. Thay vì làm sợi bánh canh bằng bột gạo, mẹ tôi làm bằng bột mì.

Cá lóc sau khi luộc thì gỡ thịt ướp với nước mắm, muối, củ ném giã nhỏ, nhiều vào cho thơm, mẹ bảo thế. Luộc một con gà để cúng, lấy nước ấy làm nước dùng (nhà tôi lúc nào cũng nuôi gà, chỉ với hai mục đích, một là giỗ, hai là tết), thêm cái nước chắt từ đầu và xương cá giã nhỏ rồi lọc, nồi nước thấy cũng đáng xuýt xoa. Con gà sau khi cúng được xé nhỏ như... bột ngọt, đến mức tôi biết trong cái nồi ấy có thịt gà mà mò hoài không thấy mẩu thịt nào.

Rồi thì công đoạn nấu cũng như nấu bánh canh gạo, chỉ khác là nếu không cẩn thận thì bánh canh mì sẽ bết hết lại. Mẹ tôi biết cách để làm cho sợi nào vẫn ra sợi ấy, mà một trong những cách mà giờ tôi nhớ là dùng bột áo, rồi gì gì nữa đấy. Bà con đến ăn giỗ, mỗi người một tô bánh canh bột mì cá lóc đỏ ớt, ăn giữa trưa hè, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, và tôi thấy các cô tôi, các em, nói chung là những người đến ăn giỗ, ai cũng... khen ngon. Ăn xong thì uống chè xanh bằng bát, rồi về, là xong bữa giỗ. Mà ai cũng trịnh trọng, áo dài khăn đóng, dép kẹp ở nách, đến nhà mới xỏ...

Cái thời đói khổ ấy, bằng hai xuất lương hưu, mẹ vừa nuôi hai anh em tôi học đại học, vừa chăm lo cho ba tôi, rồi gia đình nội ngoại, lo giỗ chạp mà như tôi kể, hầu như tháng nào cũng có. Ba tôi thì hầu như ngày nào cũng đi... ăn giỗ nên khi nhà có giỗ, ông chỉ yêu cầu, phải làm sao cho... tương xứng với thiên hạ. Sau này thì hạp lại, tức là có thể dồn hai ba cái giỗ lại làm một cuộc để đỡ vất vả hơn.

Giờ đi khắp nơi, ăn đủ loại bánh canh, vẫn nhớ những tô bánh canh của mẹ. Nó cứ thơm ngát mùi củ ném giã nhỏ, ngọt lừ vị cá và cay xè nỗi niềm ớt bột. Vùng tôi có món ớt bột danh bất hư truyền bà con tự làm lấy. Thiếu những thứ ấy nên bánh canh các nơi vẫn có gì đấy hụt hụt...

Mà cũng lạ, ở quê, hầu như ai cũng có thể nấu giỗ. Mỗi khi nhà có việc, các bà các cô các cháu lũ lượt kéo đến giúp việc, có những bữa giỗ hàng trăm người ăn mà đâu ra đấy, dù, giờ ở quê, cũng đã có dịch vụ nấu cỗ, dịch vụ cho thuê bàn ghế, chén, bát...

Giỗ ở quê, vì thế, luôn luôn là nỗi nhớ của những người đi xa. Riêng anh em tôi, còn có thêm hương vị tô bánh canh bột mì mẹ nấu.

Văn Công Hùng
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Return to top