ClockThứ Ba, 01/12/2015 03:46

Cái dũi và cái oi

TTH - Quãng đường ấy có 3, 4 hàng sửa giày, dép. Buổi chiều nắng nhạt, vắng khách nữa nên người đàn ông có vẻ mặn chuyện với khách vừa ghé xuống. Câu chuyện cứ bắc cầu hết cái này sang cái kia nên thời gian chờ đợi có vẻ ngắn lại.

Tôi nhìn đống giày cũ đủ mọi kiểu dáng, kích cỡ xếp chồng lên nhau trong khoảng không gian nhỏ gọn và hỏi chừng xem, dạo này khách có nhiều không. Người thợ giày mau mắn: mùa này thì đỡ, bù cho mùa đông mà cô. Chừng nào còn khách là tui còn ngồi đây. Rứa mà ngồi được gần 30 năm rồi...

Câu nói nghe nhẹ tênh, ngỡ như dòng đời trôi qua cơ hồ cũng chỉ là cơn gió. Ngay cả khi ông kể về những tháng ngày cơ cực của mình khi còn phải lo chuyện ăn, chuyện học cho mấy đứa con và phụ giúp thêm cho gia đình hai bên nội ngoại, cả khi ông kể chuyện mình ngày trước, cả đêm chỉ nghĩ về một tô bún với một cục thịt mỡ thật to để ăn cho thật đã cơn thèm nhưng sáng mai ra, chỉ dám ăn một cái bánh mì chan nước vì thương mấy đứa con ở nhà. Cũng chỉ nỗi lo, nỗi thương thường trực này mà đến giờ, ông thành người không thuốc lá, không rượu chè, dù có thú thật là cafe đá thì ngày đến mấy cữ với một cái cười hiền. Ông nói, khi hý hoáy với chiếc giày, giờ tui đỡ lo hơn nhiều rồi. Con gái đầu tốt nghiệp đại học ra trường thành cô giáo đã 8 năm. Nó được Sở Giáo dục - đào tạo phân nhiệm sở vì là sinh viên xuất sắc. Đứa con trai thứ hai thì làm ở Công ty bia Huda, con bé kế nữa thì đang du học ở Nhật. Chỉ còn cậu út là đang học năm thứ nhất đại học ngoại ngữ. Con chị chịu khó, ham học nên làm gương và bảo ban được mấy đứa em - ông bảo với niềm vui của người cha trong giọng nói.
Điều làm tôi nhớ hoài là cách ông nói, rất trìu mến về vợ của mình, rằng tui may mà có vợ chịu khó, biết nghĩ và biết lo. Chuyện chi cũng cất nép, gói gắm cho chồng, cho con mà ít khi nghĩ đến bản thân mình. Nhờ rứa mà nhà vững, con cái yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Ông bảo, vợ chồng cũng như cái dũi với cái oi rứa. Mình làm được mà vợ không biết lo toan thì cũng như gió vào nhà trống. Vợ tui “hắn” ít nghĩ đến bản thân, cái chi cũng nhường nhịn phần chồng, phần con. Nhiều khi nghĩ đến vợ mà thương, lại cố ngồi sửa thêm vài đôi giày thay tấp vô vỉa hè uống vài ly rượu với bạn...
Có lẽ vì mải nói chuyện, cái dũi chuyên dụng để tạo rãnh cho đế cao su đâm vào tay ông. Vậy mà khi tôi bảo, bác dừng tay lại đi, có bông hay cái chi băng tạm kẻo nhiễm trùng, ông lại bảo, không can chi mô, chuyện thường ngày thôi mà, tôi quen rồi, chỉ sợ máu dính vào giày của cô, chùi khó ra lắm...
Chừng đó thôi mà tôi biết, mình sẽ còn quay trở lại chỗ ông khi cần.
Nguyễn An Bình
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển
Return to top