ClockThứ Năm, 11/12/2014 14:22

Chén nước chè xanh

TTH - Thứ nước uống mà mình thích nhất là nước chè xanh. Thú ẩm thực dân dã này xuất phát từ việc mệ nội mình là người chuyên bán chè xanh ở chợ Đại Lược.

Khi mình lớn lên đã thấy nội ngày ngày chợ sớm với gánh chè xanh. Quê mình đất cát không trồng được cây chè, nên để có chè nội cùng với mấy mệ bạn hàng nữa ở trong làng thức dậy khi chuông chùa làng điểm canh khuya ra bến theo đò ngược dòng Ô Lâu lên chợ Mỹ Chánh (Quảng Trị) mua chè. Mỗi lần rứa mệ mua chừng 2-3 bó chè to rồi chia ra từng bó chè nhỏ, cùng với mớ cau trầu xanh, mấy xâu thuốc lá Phong Lai… để bán dần qua các phiên chợ sáng. Lời lãi chẳng bao nhiêu, lại thức khuya dậy sớm nhưng đó là niềm vui tuổi già của nội vốn đã quen với không khí của chợ từ thời con gái. Đến khi già yếu, không đi xa được nữa, mệ vẫn mua lại chè xanh của người khác để bán cốt miễn có chỗ ngồi ở chợ để được bán, được mua, để nghe chuyện này chuyện nọ trong làng là được…

Cũng nhờ vào gánh chè xanh của mệ nên nhà mình có thể thiếu thịt, thiếu cá nhưng không thể thiếu nước chè xanh hàng ngày. Mình còn nhớ, vào những buổi tối thứ bảy, sau bữa cơm chiều, mạ mình vo chè, nấu nước chuẩn bị cho ba và hàng xóm một ấm chè xanh mới. Mà không phải ai cũng chế nước chè ngon cả. Theo lời của mạ thì để có ấm nước chè vừa xanh, vị vừa chát vừa ngọt phải lựa những lá chè nhỏ có màu xanh ngả vàng; mùa mưa thì chế nước mưa hứng là ngon nhất; mùa hè thì lấy nước mội hoặc nước giếng trong thì nước chè mới ngon… Tất nhiên, cùng với chè, phải đập thêm mấy múi gừng mới đúng vị…

Trời chập tối, thắp ngọn đèn dầu lên; mùa hạ thì ở trước sân, mùa mưa lạnh thì ở cái phản trong nhà mấy ôn, mấy bác hàng xóm cùng ba mình ngồi bên ấm chè xanh, mỗi người một chén nước chè vàng sóng sánh còn bốc hơi vừa uống nước, hút thuốc vừa nói chuyện xưa, chuyện nay, chuyện Bắc, chuyện Nam, chuyện ruộng đồng hay bao chuyện đời thường khác và luôn rộn rã tiếng cười…Sau đó, ba mình mở chiếc radio nghe chương trình “Sân khấu truyền thanh” của Đài Tiếng nói Việt Nam. Mình lúc đó còn nhỏ cũng được ngồi ké uống nước chè và nghe những vở kịch nói, cải lương mà mình vẫn còn nhớ tiêu đề: “Những cánh cửa đã mở”, “Đất mẹ” hay “Lá sầu riêng”… Không kể những buổi chiếu bóng một năm vài lần của đoàn chiếu bóng lưu động thì nghe đài là thú giải trí duy nhất của những người dân làng quê mình những năm đó…

Lại nói chuyện bán chè của nội. Trường làng mình cách chợ không xa nên thỉnh thoảng đến giờ ra chơi là mình ba chân bốn cẳng chạy ra chợ. Mệ biết ý mình nên mỗi lần như rứa là mệ mua cho khi thì bì chè đậu ván, khi thì mấy cái bánh dừa dẻo dẻo thơm thơm, khi thì cái bánh tráng mè vừa béo vừa giòn… Ăn xong món quà vặt, nội chỉ mình tới chỗ o bán nước chè ở góc chợ dưới cây vông đồng và nói: “Cháu tới đó uống nước mà vô học kẻo trễ chừ!”. Không như cô hàng nước vừa tròn đôi tám, miệng xinh như hoa trong một bài hát tiền chiến; o bán nước chè xanh ở chợ quê mình người gầy tong teo vì phải nuôi mấy miệng con. Được cái o rất tốt bụng, luôn cho mình uống nước chè miễn phí… Có lần về quê đi chợ, ghé chỗ o hàng chè xanh năm nào nhưng không thấy o mà là một phụ nữ còn trẻ. Hỏi chuyện mới biết cô bé là con gái út của o: “Mạ em mất đã mấy năm rồi!”. Mình uống chén nước chè xanh mà thấy lòng nghèn nghẹn…

Phi Tân
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top