Thứ Tư, 04/11/2015 15:02
(GMT+7)
Chết oan
TTH - Vừa về quê, chị hàng xóm hay chuyện đã tất tả sang báo tin, T. treo cổ tự tử ở đình làng cách đây mấy tháng. Đang tuổi sung sức, lại có gia đình, nghề nghiệp ổn định, không hiểu sao T. lại tìm đến cái kết cục bi đát như thế?
Hỏi chuyện mới hay trước đó, T. hay đau đầu, có biểu hiện chán nản, nhiều lần đòi tự tử, có khi nói nhảm, bỏ nhà đi. Gia đình cho rằng T. bị “vướng đường âm” nên để ở nhà cúng bái. Tốn rất nhiều tiền nhưng T. vẫn không hết bệnh. Sợ T. tự tử, cả nhà thay nhau canh chừng. Nhưng một buổi trưa, trong lúc người thân sơ hở, T. trốn được. Thế là xảy ra chuyện.
Cho đến khi con không còn nữa, bố mẹ T. mới biết con bị chứng hoang tưởng do rối loạn tâm thần, nếu được điều trị sớm thì đã có thể tránh được cái chết oan uổng.
Người viết từng có người cô ruột, tuổi đã già, bỗng nhiên trở chứng nói nhảm, đi lang thang, mất dần trí nhớ. Đi bói, thầy phán bà bị “vương đường âm”, phải “tạ” lớn mới khỏi. Đi hầu đồng năm lần bảy lượt không xong, đem bà đi bệnh viện thì phát hiện bà bị một khối u chèn ép ở não.
Do nhận thức hạn hẹp cộng với tâm lý mê tín, dị đoan, không ít trường hợp, khi người nhà có dấu hiệu về tâm thần, người thân lại tin rằng họ bị “người âm” ám nên tìm đến thầy cúng, không đưa đi chữa trị. Suy nghĩ lệch lạc này khiến không ít gia đình có người bộc lộ chứng hoang tưởng do thần kinh phải tốn rất nhiều tiền để hầu thầy, dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường cho bản thân, gia đình và xã hội khi bệnh trở nặng.
Thế nhưng, sau những sự cố như trường hợp của T., hầu như chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể tại chỗ vẫn không hề có một hoạt động nào để tuyên truyền cho người dân hiểu cái giá quá đắt của sự mê tín mù quáng.
Nhật Nguyên