ClockThứ Ba, 07/07/2015 16:31

Chia những nỗi lo

TTH - Trưa. Nắng nóng. Mồ hôi rịn ra trên gương mặt khi anh bạn ghé qua, trao đổi một số công việc. Việc thì nhanh, nhưng câu chuyện sau đó dẫn dắt thế nào lại xoay quanh con cái. Mình vừa chợt nhớ là từ hỏi han việc học thêm của mấy đứa nhỏ. Khổ thiệt chứ không phải là chuyện đùa khi vừa qua một tháng hè, lũ nhỏ của các nhà đã bắt đầu vào tour học thêm và cha mẹ chưa kịp xả hơi đã lại bắt đầu những hành trình sáng, trưa, chiều, tối đưa đón con đến lớp học thêm. Mà nhà mình chẳng hạn, ba mẹ còn chưa kịp thu xếp cho con một chuyến chơi xa…

“Suy đi nghĩ lại, mình quyết định mời các sinh viên đến dạy kèm cho con. Thù lao có cao hơn ở các lớp học thêm một chút nhưng con mình sẽ được kèm bài kỹ hơn. Hổng đâu lấp đó. Hơn nữa cũng khỏi phải chạy ra đường. Trời thì nóng. Mà mình dặn các gia sư rồi, không nhất thiết phải đúng giờ chằn chặn mà cứ linh động, miễn răng hai bên đều cảm thấy thoải mái và con mình tiếp thu tốt” – anh bạn nói.

Mình cũng nghĩ vậy. Ra đường bây giờ đúng là không ít rủi ro. Con nhỏ lo đằng nhỏ, lớn lo đằng lớn mà con gái thì lo kiểu con gái, con trai lo kiểu con trai. Dạy cho con các kỹ năng là một chuyện, chuyện khác là cứ thấy ngờm ngợp trước những ẩn họa không biết tới từ đâu. Chỉ xung quanh chuyện học thêm, vợ chồng cũng không biết bao phen bất đồng quan điểm. Người thì nghĩ cho con học vừa thôi, đừng đánh mất tuổi thơ của chúng, 5 -6 điểm cũng được, miễn là phải hiểu bài và biết nhận thức vấn đề. Người thì cứ sốt ruột khi con người ta học lớp này lớp kia, thầy này cô kia, nên không thể cho con nhởn nhơ được. Nhưng mâu thuẫn có khi lại đến từ phía tưởng chừng như rất dễ giải quyết khi ai sẽ là người đưa đón con hàng ngày, nhất là khi không phải lúc nào ba hay mẹ cũng thu xếp được công chuyện để dành cho tư chuyện!

Chia sẻ điều này, mình thấy anh bạn thở dài đánh sượt. Anh bảo, đã không ít bữa chiều, đang dở việc ở cơ quan định ở lại làm nốt nhưng con gọi, xin ba về chở con đi chơi là anh lại lật đật xếp giấy tờ. Không phải vì quá yêu chiều con mà cứ nghĩ, cả hai vợ chồng đi làm cả ngày, chỉ có cậu nhóc ở nhà với 4 bức tường, với những bài học và cái ti vi, anh sợ con trầm cảm mất. Cha và con cứ thế đi siêu thị, ra ngoại ô hay thi thoảng đi bơi, đi nhà sách. Nhưng còn có nỗi buồn khác từ phía người cha khi bảo, không có nhiều chỗ để chơi, đi mãi rồi thành loanh quanh…

Đa phần những nỗi lo của cha của mẹ là đồng điệu nên dễ chia sẻ. Nhưng mình cũng cứ nghĩ, thế hệ mình ngày trước hình như thuần hơn nhiều mà cũng sớm biết lo toan việc nhà, việc học hơn nhiều. Tất nhiên cuộc sống luôn mở ra và tiến lên phía trước, nhưng bây giờ đã xuất hiện những đứa trẻ mãi không chịu lớn, mãi nũng nịu và ỷ lại. Cái lo này còn đáng sợ hơn cái lo trước mặt, với chuyện ăn, chuyện học, cả chuyện phải cho con vui chơi như thế nào một cách hợp lý…

Cả mình và anh bạn đều nghĩ, ấp iu con tốt nhất không phải là ôm chúng vào lòng, bao bọc mãi mà phải thả các nhóc ra bằng cách hướng dẫn chúng biết cách ứng xử, yêu thương và chia sẻ với gia đình, bạn bè, trường lớp và xã hội từ những việc nhỏ, hành động nhỏ dần đến những điều lớn hơn, mỗi ngày. Nhưng nói là nói vậy thôi, cả mình và anh bạn đều buột ra những điều đang nghĩ: con đi học về chậm vài phút thôi là đã nôn nao ngóng trông…

Nguyễn An Lê
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

TIN MỚI

Return to top