ClockThứ Năm, 26/02/2015 05:55

Chợ chiều

TTH - Đến bây giờ vẫn không hiểu tại sao người ta lại gọi chợ chiều. Chợ thì có nhiều cách gọi. Cách chung nhất là chợ. Mẹ đi chợ về. Chợ phiên là chợ năm ngày mới họp một lần. Trước, quê tôi có chợ phiên Long Định. Dù có đi chăn bò hoặc làm cỏ lúa thì chiều hôm trước họp chợ cũng nghỉ sớm. Về tắm rửa, áo quần bảnh bao ghé về chợ. Nó háo hức là vì đi chợ phiên như đi trẩy hội. Những người ở xa gồng gánh về để kịp mai họp chợ. Nhà cô Bảy tôi lúc đó khi nào cũng có bốn năm người về ngủ lại. 

Chợ chiều là chợ họp vào buổi chiều. Mà lạ, sáng cũng có chợ nhưng chả ai gọi chợ sáng bao giờ. Ở Huế có chợ Mai không biết có phải là hàm ý chợ sáng?

Nói gì thì nói, chợ chiều là chợ ít đồ tươi sống. Tất cả các loại cá mú tự nhiên đánh bắt được từ biển và đầm phá đều diễn ra vào ban đêm nên chợ sáng mới là chợ có nhiều đồ tươi ngon. Thế thì sinh ra cái chợ chiều làm gì ? Rõ ràng căn nguyên chợ chiều là chợ cho người nghèo. Đó là nói lúc trước, khi hàng hóa không dồi dào. Bây giờ thì nhu cầu có mọi lúc mọi nơi và thị trường cũng đáp ứng ngay mọi nơi mọi lúc.
Không ở đâu thể hiện rõ hơn chợ chiều là chợ nghèo như các chợ công nhân. Cái gì cũng rẻ. Và phẩm cấp hàng hóa cũng theo giá mà xuống theo. Thấp cao tùy người nhưng trước tiên là hợp túi tiền của giới công nhân. Nhiều lúc bất chợt gặp một hình ảnh chợ công nhân đông đúc, họp ở một góc đường nào đó, ánh đèn đường đỏ chói lóa mặt người mới hiểu “lợi thế của nền kinh tế cạnh tranh bằng công nhân giá rẻ” là cái nấc thấp nhất của nền kinh tế thị trường.
Ở phường Trường An (TP Huế) có phiên chợ chiều chạy dọc một góc đường Đặng Huy Trứ. Ở đây tám ngàn đã có một lạng tôm. Mười ngàn đã có vài ba con cá nục kho với ớt xanh. Người mua nghèo thì người bán cũng nghèo. Dù nghèo nhưng cái gì cũng có. Một người vội vã hay muốn đổi bữa mà mua một lát má heo luộc sẵn, ít dưa giá chua, ngàn rau sống, vài ngàn bún là đã có bữa chiều. Cũng món ấy nhưng tạt vào một quán ven đường ít nhất cũng mười lăm ngàn một tô. Ở đây không gọi là ăn no mà ăn nửa bữa. Như thế là ăn sang.
Trước đây ở nông thôn, chợ chiều cũng là sự khởi đầu của chợ mai. Năm ngày mới họp chợ một lần. Đôi khi cả huyện tập trung về một chợ. Xe đò khó khăn toàn là gồng gánh nên chiều hôm trước phải lục tục về chợ, ngủ lại nhà người quen sáng mai họp chợ sớm. Có khi buôn bán vài thứ của nương vườn nhưng đi chợ đã mất hai ngày. Ở Huế có câu “Thuyền về Đại Lược, thuyền ngược Kim Luông” là đủ biết đi chợ nó mất thời gian thế nào. Người dân nông thôn tính chợ là tính theo ngày âm lịch chứ không bao giờ tính theo ngày dương lịch. Có khi người dân không để ý đến ngày dương lịch là gì. Cách tính ngày giờ cũng hay. Hình như bà con đồng bào ít người tính theo trăng. Người làm thủy sản tính theo con nước.
Đi chợ nó thân thương đến vậy. Nó là gồng gánh; nó là cơm đùm cơm nắm; là những câu chuyện thâu đêm; nó là nải chuối, trái dừa; là trái ổi, nhúm ớt…
Mà không biết từ đâu chợ chiều trở nên tai vạ. Có một chuyện gì đó rệu rã, hiu hắt, rã đám… mà người ta gọi là cảnh chợ chiều. Những gì mình biết chợ chiều là chợ khởi đầu của chợ mai, là vui tươi tốt đẹp. Ai đó gọi cảnh chợ chiều là hàm ý không tốt rồi. Người nông dân mộc mạc không bao giờ gọi vậy.
Lê Phương
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Return to top