ClockThứ Năm, 10/07/2014 03:00

Chuyện gánh hàng rong

TTH - Những năm 30 - 40 của thế kỷ trước, nhà thơ Nam Trân từ xứ Quảng ra Huế đã viết về cái nóng của mùa hạ xứ thần kinh rằng: “Trời nóng băm bốn độ -Đèn, sao khắp đế đô -Mặt trăng vàng trỏn trẻn- Nấp sau nhành phượng khô- Ba dịp cầu Trường Tiền- Đứng dày người hóng mát...” rồi cái cảnh hàng rong, buôn thúng bán bưng rất lam lũ đời thực và rất Huế: “Hai tay xách hai vịm - Một vài mụ le te- Tiếng non rao lảnh lói- Chốc chốc: “Ai ăn chè”.

Đọc thơ của thi sĩ Nam Trân mới thấy được trái đất đang nóng lên, Huế đang nóng lên và nói theo từ thời thịnh hôm nay là đang “Biến đổi khí hậu” khi mà mấy ngày ni Huế bừng bừng 39 - 40 độ. Mà cũng đã non thế kỷ rồi... Huế bây chừ vẫn còn đó những gánh hàng rong từ chè, bánh canh, trứng lộn... trên từng con hẻm nhỏ. Đôi lúc mình cũng muốn lắng nghe tiếng rao “ Ai ăn chè…” như những người Huế xưa và cả những ai đến Huế đã từng nghe nhưng hình như không còn nữa.

Sáng ni đi trên đường thấy một gánh bún bên đường, mình tạt vô ăn sáng luôn. Lại nhớ chuyện của một người thầy thời đại học kể về chuyện ông Hoàng Xuân Hãn, một học giả nổi tiếng những năm đầu thế kỷ trong một lần ăn hàng rong quà vặt ở Hà Nội đã phát hiện trong mớ giấy lộn của bà bán hàng có bản dịch “Chinh Phụ Ngâm” ( nguyên tác Đặng Trần Côn) của Phan Huy Ích và từ đó xảy ra cuộc tranh luận đến nay chưa ngã ngũ là bản dịch “Chinh Phụ Ngâm” hay nhất là của Phan Huy Ích hay Đoàn Thị Điểm? Nhưng trước khi nói về chuyện văn chương, thầy còn nói rất dí dỏm và rất văn hóa ẩm thực về chuyện vì sao người Huế và nói chung là người Việt mình thích ăn bún gánh: thứ nhất ngồi thoải mái trên mấy chiếc đòn be bé, thứ hai có thể cảm nhận bằng mắt màu sắc, bằng mũi cái vị thơm từ nồi bún, thứ ba có thể chỉ thẳng vào nồi mà nói với người bán bún là: tui thích ăn cái khoanh ni, thêm cho tui cục chả, thêm cho tui tí nước màu, bốc cho tui tí rau... Cái ngon ở đây là ngon dân dã, có thể húp sộp soạt phần nước bún còn lại nước mắt nước mũi tuôn ra vì cay mà không e dè

Thỉnh thoảng thấy mấy gánh bánh canh bên đường mình cũng hay tạt vô ăn. Món bánh canh bột không biết từ bao giờ đã trở thành món ăn bình dân bậc nhất của xứ Huế vừa rẻ, vừa ngon. Cũng chẳng có bàn ghế chi, cứ “ngồi chò hỏ” hoặc lót dép ngồi ăn một cách tự nhiên. Hỏi chuyện o bán bánh canh biết nhà o ở gần khu An Cựu City nhưng lại là người lao động nghèo thành thị. Sớm tinh mơ dậy sớm, nấu bánh cánh rồi cho vào quang gánh cái nồi bánh canh đang nóng, có khi cả nấy cục than hồng đang cháy chạy từ nhà rong ruổi từ đường Bà Triệu- Hùng Vương qua cầu Trường Tiền rồi qua mấy đường Trần Hưng Đạo- Phan Đăng Lưu đến 9-10 giờ mới bán xong một gánh. Hỏi một ngày lời mấy o? “Bữa đắt được khoảng trăm, bữa ế năm, bảy chục...”. Hỏi răng o không kiếm chỗ mô ngồi ổn định để bán cho khỏe? “ Có chơ, mấy năm trước o bán bên đường bên tê cầu Trường Tiền nhưng họ mắc nợ nhiều quá, có người ăn xong không chịu trả, lâu ngày họ lờ luôn mà bán bánh canh như o có sổ sách chi mô mà ghi nợ. Thôi bán rong ri cho khỏe...”. Lạ hè, ăn bánh canh tô có mấy ngàn mà cũng nợ với xù nợ...

Hà Nội có văn hóa quà vặt, Huế có văn hóa bún gánh, cơm hến gánh và bánh canh gánh và cũng đã từng có: “Tiếng rao lảnh lói- Chốc chốc: “Ai ăn chè” mà nhà thơ xứ Quảng đã kịp ghi lại chừng như đủ để xua đi cái nóng mùa hạ năm nào.

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Return to top