Thế mà cách đây mấy hôm, một con chó nhỏ ở đâu bỗng chạy vào nhà. Dù đã xua đuổi nhiều lần nhưng nó cứ ngồi chồm hổm trước cánh cổng khóa chặt. Bất đắc dĩ, đành cho nó vào nhà. Một con chó đen, người đầy ghẻ, rụng hết lông. Nó có vẻ sợ sệt và biết thủ phận. Có lẽ cái vẻ bề ngoài tồi tệ ấy mà chủ cũ của nó đã tống khứ nó ra đường.
Cực chẳng đã, tôi mang bao tay, bịt khẩu trang và tắm cho nó. Thế nhưng những mụn ghẻ trên người vẫn cứ loang ra. Đang định tống nó ra đường thì một người quen mách nên đưa nó đến một trạm xá thú y ở khu vực nội thành Huế.
Khác với sự hình dung ban đầu, cái trạm xá thú y đơn sơ ấy thật thân thiện. Một bác sĩ và mấy sinh viên ân cần khám cho nó. Không cần mang bao tay, cũng chẳng e dè, họ sờ khám, thăm dò khắp mình mẩy chú chó con đầy ghẻ mà không một chút e ngại. Tôi ngạc nhiên hỏi: “Sao các bác không mang bao tay?”. Họ cười bảo, chúng tôi quen rồi. Với lại chó mèo nó cũng nhạy cảm lắm, thấy đôi bao tay trắng toát là sợ, không hợp tác.
Chú chó được chẩn bệnh và tiêm 3 mũi thuốc. Sau mỗi mũi tiêm, bác sĩ còn nhẹ nhàng day vào chỗ tiêm một lúc cho nó đỡ đau. Xong việc, tính tiền, bác sĩ không có tiền lẻ để trả lại, thế là bảo: “Khi nào chị đem đến tiêm lại lấy luôn cũng được”.
Hôm sau đến tái khám, bác sĩ đon đã chào từ ngoài cửa, bảo, nó sao rồi chị, có tiến triển tốt không? Rồi lại ân cần tiêm, xoa, vỗ về.
Sau 5 lần đến điều trị, thanh toán tiền, ngạc nhiên vì giá cả rất mềm, hỏi thì bác sĩ xởi lởi trải lòng: Thấy chị không thích chó mèo, thân phận chú chó cũng đáng thương nên phải lấy in ít thế này để chị còn đem nó đến chữa. Sợ chị bỏ nó thì tội.
Chuyện chỉ đơn giản có vậy nhưng tôi cứ suy nghĩ mãi về thái độ phục vụ của các bác sĩ, sinh viên thực tập ở cái trạm xá thú y nọ. Dù “bệnh nhân” chỉ là những con vật nhưng sao họ lại có thái độ phục vụ ân cần đến thế?. Và chính cái sự tử tế ấy lại đánh thức trong những con người đã một lần đến đây sự lạc quan, vui vẻ và tình yêu thương, chia sẻ.